Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

Chương trình mới, sách giáo khoa mới làm quen lúc đầu bao giờ cũng khó khăn

09.10.2020 15:07354 đã xem
GDVN- Một chương trình mới thì bất cứ ai cũng phải làm quen từ đầu và giai đoạn đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, có thể qua một vài năm khi quen rồi lại thấy dễ hơn.

Trải qua gần 1 tháng dạy và học, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã chia sẻ trên các diễn đàn cho rằng chương trình lớp 1 năm nay quá nặng với trẻ, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức khá lớn. Trong khi đó giáo viên cũng vất vả trong việc dạy học.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Hải Yến - Tổ trưởng tổ 1, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Yến chia sẻ:

“Tất nhiên một chương trình mới thì chắc chắn phải khác với chương trình cũ. Còn nếu chương trình vẫn như cũ thì sao gọi là thay đổi.

Cô Đặng Hải Yến: "Trong 4 tuần đầu mà yêu cầu các con học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo là việc quá sức với tất cả". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn việc chương trình mới có khó hay không, nặng hay nhẹ thì dựa vào yêu cầu cần đạt ở cuối năm học, và điều quan trọng nhất là dạy học sinh từ việc chuyển định hướng kiến thức sang định hướng phát triển năng lực.

Việc này được thể hiện thông qua phương pháp tổ chức lớp học, nếu mà tính 4 tuần đầu năm học so với 35 tuần của cả năm để mà so sánh thì rất khó chính xác.

Trong giai đoạn đầu tiên này có thể có một số giáo viên và phụ huynh cảm thấy khó hơn so với những năm trước, cũng bởi vì một chương trình cũ đã quen bao nhiêu năm nay rồi thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho tất cả.

Còn với một chương trình mới thì bất cứ ai cũng phải làm quen từ đầu và giai đoạn đầu tiên bao giờ cũng khó khăn hơn, cũng có thể qua một vài năm khi quen rồi mọi người lại thấy dễ.

Còn ở góc độ chuyên môn thì tôi thấy rằng bản thân trong nhà trường chúng tôi không có nhiều khó khăn như dư luận xã hội đang nói, bởi trường đã có sự chuẩn bị cho việc tiếp nhận chương trình mới từ trước và cũng đã có những phương án triển khai để làm sao có hiệu quả nhất, không tạo áp lực cho giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh.

Bản thân tôi thấy có nhiều sự khác biệt, có thể trong giai đoạn đầu một số người sẽ thấy khó, còn bản thân tôi thì không thấy khó hơn quá nhiều như dư luận đang phản ánh”.

Phải chăng khó là do có 5 bộ sách giáo khoa?

Cô Yến cho biết: “Theo tôi thì việc có nhiều bộ sách để lựa chọn thì đó lại là lợi thế. Mỗi nhà trường với phương pháp giảng dạy và định hướng riêng cùng với nền tảng của các giáo viên thì có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước.

Vậy nên dễ dàng lựa chọn được bộ sách ưng ý phù hợp với định hướng của nhà trường. Còn lại dù có 5 bộ sách giáo khoa thì cũng đều định hướng đến một khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là chuẩn kiến thức kỹ năng hoặc yêu cầu cần đạt.

Dù là cách thức trình bày các bộ sách có thể khác nhau, nhưng chuẩn đầu ra sẽ giống nhau, vậy nên sẽ không có chuyện bộ sách này khó hay bộ sách kia dễ. Chủ yếu là do cách sử dụng sách mà thôi”.

Theo cô Yến: “Nếu so sánh 4 tuần đầu năm học của chương trình giáo dục phổ thông năm 2020 với chương trình năm 2018 triển khai với lớp 1 thì trong những tuần đầu tiên việc học các chữ cái đơn ở chương trình cũ là học rời từng âm hoặc 2 âm một.

Còn đối với chương trình mới có những bộ sách giáo khoa mà ở đó mỗi một bài phải học nhiều âm hơn, dựa trên quan điểm của người xây dựng sách là bảng chữ cái đơn thì đa phần học sinh đã được biết.

Việc này khi tham gia tập huấn về sách giáo khoa mới tôi được nghe chia sẻ như vậy, nên giai đoạn học chữ cái đơn ban đầu được rút ngắn hơn so với chương trình cũ.

Đối với học sinh trong giai đoạn học mầm non thì với thực tế năm nay bị gián đoạn vì dịch Covid-19 nên các con phải nghỉ học, nên việc nhận diện chữ cái ở trường mầm non và việc chuyển giao nề nếp học tập từ mầm non sang tiểu học bị gián đoạn”.

Về phần tập viết, cố Yến chia sẻ: “Theo quy định của Bộ cũng chỉ yêu cầu về chuẩn đầu ra cuối cùng của năm học với chuẩn đầu ra của cả một giai đoạn học tập.

Còn lại việc triển khai thế nào trong từng bài học, trong từng tuần thì bản thân các trường đều có chương trình để làm rõ hơn việc phân phối chương trình dựa theo bộ sách giáo khoa mà nhà trường lựa chọn.

Với số lượng các âm trong giai đoạn đầu phải học nhiều lên thì số lượng chữ viết ở trong mỗi bài tập viết so với chương trình cũ cũng có sự tăng lên.

Tuy nhiên tùy vào định hướng của tổ chuyên môn hoặc nhà trường trong quá trình triển khai thì chính ban giám hiệu là người quyết định cuối cùng về chương trình viết đó trong mỗi giai đoạn phù hợp với học sinh như thế nào.

Tôi cũng đã gặp rất nhiều phụ huynh trong thời gian 4 tuần vừa qua để nghe các bác chia sẻ thì hầu hết kỳ vọng của phụ huynh đối với con đều rất là lớn.

Điều này cũng dễ thông cảm vì phụ huynh rất yêu con, mong muốn con tiến bộ nhanh, đọc thông viết thạo. Nhưng bản thân chương trình Tiếng Việt đối với yêu cầu thì các con sang đến học kỳ 2 vẫn còn học tiếp những vần cuối cùng.

Và trước khi biết hết vần thì không thể nào các con đọc thông ngay được. Ít nhất là cũng phải khi các con học hết vần. Vậy nên nếu yêu cầu trong 4 tuần đầu tiên phải đọc thông, viết thạo thì đó là điều không thể”.

Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Cô Yến cung cấp.

Theo cô Yến: “Bản thân các con chuyển từ mầm non sang tiểu học thì điều đầu tiên là các con phải thấy yêu thích việc học tập, từ đó duy trì hứng thú học tập lâu dài.

Trên thực tế so với chương trình cũ là phải hết tuần 23 thì mới hết chương trình học vần và chuyển sang luyện tập tổng hợp, nhưng có rất nhiều học sinh ngay khi kết thúc tuần 17 -18 là đã có khả năng đọc thông viết thạo.

Vậy nên với chương trình năm nay, với nhiều bộ sách và phân bổ chương trình của bộ sách đó thì việc kết thúc vần sẽ sớm hơn và nhiều khả năng là các con sẽ đọc thông viết thạo sớm hơn yêu cầu so với chương trình cũ.

Còn với yêu cầu trong 4 tuần đầu mà các con phải đọc thông viết thạo thì đó là điều không thể đối với học sinh và cả với các giáo viên, thật sự nó là quá sức đối với tất cả”.

Phụ huynh không nên kỳ vọng quá mức

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Trần Thuý Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con nhà tôi cũng vào lớp 1 và tôi thấy có sự thay đổi rõ nhất là môn Tiếng Việt và phần tập viết.

Hôm trước tôi có đi dự một cuộc Hội thảo về tuyển sinh và đa số ý kiến cho rằng các con vào lớp 1 không nên học trước và cá nhân tôi cũng cho là như vậy.

Nhưng chỉ sau một tháng con tôi vào lớp 1 thì tôi thấy nhận định không cho con học trước là sai lầm, tại sao lại như vậy?

Theo quy định thì khi học hết mầm non là các con đã thuộc bảng chữ cái hoặc đã viết được những nét cơ bản, nhưng năm nay các con phải nghỉ học vì dịch bệnh nên đã không được rèn luyện phần đó.

Và nay yêu cầu đó lại áp dụng luôn vào lớp 1 mà thiếu đi bước đệm từ mầm non nên dẫn đến việc các con không thể tải được phần kiến thức đó một cách nhanh chóng, ví dụ như làm quen với các chữ cái hoặc tập tô những nét cơ bản.

Theo chương trình cũ thì mỗi ngày các con học 1 đến 2 âm đơn ví dụ như a, b, c…nhưng hiện nay các con phải học tới 4 âm trong 1 ngày và học cả chữ đơn, chữ kép luôn như th, ph, kh, ch, nh…rồi sau 1 tháng là học đến phần vần. Như vậy theo tôi là các con chưa thể nhớ kịp được".

Chị Trần Thuý Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con nhà tôi cũng vào lớp 1 và tôi thấy có sự thay đổi rõ nhất là môn Tiếng Việt và tập viết. Ảnh: Chị Hà cung cấp.

Chị Hà cho biết: "Con nhà tôi lực học ở mức độ trung bình, không tiếp thu được nhanh như một số bạn khác, lại không được học trước nên giờ đây cháu khá vất vả với việc nhớ và đọc các âm.

Trước đây giáo viên thường giao thêm phiếu đọc để các con về tập đọc ở nhà, nhưng hiện nay theo như cô giáo dạy cháu cho biết là các con chỉ cần đọc và nhớ theo sách giáo khoa là đã đủ vất vả rồi.

Tối nào tôi cũng phải kèm cháu học bằng cách cho cháu đọc đi đọc lại theo sách giáo khoa, tôi thấy bài của cô giao về nhà cũng không nhiều và phần viết thì các con đã được hướng dẫn ở lớp rất nhiều nên về nhà phụ huynh cũng đỡ phần nào.

Theo cá nhân tôi thấy nếu như các con không học trước thì thật sự là rất khó khăn trong những tháng đầu tiên của lớp 1.

Về phần tập viết theo tôi cũng hơn nhanh, những năm trước học sinh thường có 1 đến 2 tuần học đệm rèn nếp, rèn những nét cơ bản trước khi vào năm học chính thức, nhưng vì năm nay do dịch Covid-19 nên có một chút xáo trộn và các con vào học chính ngay mà không có phần học đệm trước.

Tiểu học thì tham khảo cái gì?
Tiểu học thì tham khảo cái gì?

Chính vì vậy mà hiện nay các con đã viết câu, viết tập chép rồi và chương trình đẩy nhanh hơn so với những năm trước nên các con không theo kịp.

Có lẽ vì thế mà có nhiều ý kiến phụ huynh cũng như giáo viên cho rằng chương trình mới nặng hơn, nhưng theo tôi vấn đề chính là ở chỗ đó chứ không phải vì chương trình nặng.

Hiện nay vào chương trình đã được hơn 1 tháng nhưng tôi thấy con nhà tôi cũng đã có tiến bộ, và thực sự tôi thấy giáo viên dạy lớp 1 quả thực rất vất vả. Ở nhà có 1 cháu mà tôi đã cảm thấy mệt mỏi trong khi các cô phải chăm tới vài chục cháu thì quả là áp lực”.

Theo chị Hà: “Tất cả những âm các con được học sẽ được nhắc đi nhắc lại trong suốt cả một quá trình học, những từ đó sẽ được quay vòng trong các tiết học, vì vậy nếu phụ huynh sốt ruột, nôn nóng muốn các con phải nhớ ngay và luôn thì vô tình đã tạo áp lực lên các con. Và nếu giáo viên cũng sốt ruột thì cũng đã tự tạo áp lực cho bản thân mình cũng như cho học sinh”.

Chị Hà nêu quan điểm: “Tôi thấy nên duy trì việc trước khi vào lớp 1 các con nên có khoảng 1 tháng học đệm, vừa để các con làm quen với môi trường học tập mới, vừa để từng bước rèn một số nét cơ bản.

Việc làm quen trước giúp các con khỏi bỡ ngỡ, giáo viên và học sinh có thời gian làm quen với nhau và từng bước rèn các con những nét cơ bản, nhận diện những âm đơn, âm kép…

Có như vậy thì việc theo kịp chương trình học của các con sẽ thuận lợi hơn và phụ huynh cũng không cảm thấy bị áp lực khi dạy các con học ở nhà”.

Tùng Dương

Nguồn: Tạp chí Điện tử giáo dục Việt Nam

Tin tức khác