Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nói tiếng Việt lớp 1 nặng là không đúng”

05.10.2020 09:48160 đã xem
Trước nhiều ý kiến phụ huynh phản ánh, chương trình tiếng Việt lớp 1 quá nặng, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT cho biết, không có cơ sở để nói sách tiếng Việt mới nặng.

Trước nhiều ý kiến phụ huynh phản ánh, chương trình tiếng Việt lớp 1 quá nặng, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT cho biết, không có cơ sở để nói sách tiếng Việt mới nặng.

Học sinh lớp 1 tại tỉnh Thái Bình

Phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần

Phóng viên:  Hiện nay có một số phản ánh của phụ huynh cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng. Là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông ý kiến của ông thế nào?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trước tiên, chúng ta phải phân biệt được các khái niệm “chương trình” và “sách giáo khoa”. Phụ huynh hay một số giáo viên phát biểu như vậy, có khả năng đã lẫn chương trình với sách giáo khoa.

Chương trình Tiếng Việt lớp 1 có mục đích chính là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Để học sinh biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng phải yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình từ xưa đến nay, và cả trong tương lai cũng sẽ đều như vậy.

Điểm khác so với chương trình cũ là chương trình lớp 1 hiện nay được tăng thêm 2 tiết 1 tuần. Tăng tiết là để để giảm tải, chứ không phải để tăng tải.

Chúng ta thử nghĩ xem: Đằng nào các cháu cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết. Vậy, hoàn thành nhiệm vụ ấy trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 12 tiết 1 tuần thì vất vả hơn hay 420 tiết một năm,  tính trung bình 10 tiết 1 tuần vất vả hơn?

Tôi đã đi dự giờ hàng chục năm nay, nhận thấy, không giáo viên nào có thể dạy được Tiếng Việt 1 chỉ với 10 tiết 1 tuần. Cho nên, khi soạn chương trình, chúng tôi đã tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh dạy-học thong thả hơn.

Như vậy, nói chương trình nặng là không đúng đâu.

Hiện nay có 5 bộ sách, có thể có những sách cố gắng dạy xong hết các chữ, các vần tiếng Việt trong học kỳ 1, có sách dạy đến gần hết năm học. Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi một bài, giáo viên chỉ dạy tối đa 2 chữ hoặc 2 vần thôi thì mới thong thả.

Sách Tiếng Việt 1 cũ (Chương trình 2002) cũng dạy chủ yếu 2 chữ hoặc 2 vần. Nhận xét sách mới nặng hơn sách cũ là không có cơ sở.

Cũng có người cho rằng ngày xưa học nhẹ vì học hết bảng chữ cái rồi mới học ghép vần, tập đọc; còn sách mới nặng vì học đến chữ nào thì ghép vần, tập đọc với chữ, vần ấy ngay.

Nhưng chỉ cần mở sách Tiếng Việt 1 cũ ra, chúng ta sẽ thấy nhận xét này không đúng. Không có sách nào không gắn việc học chữ với ghép vần, tập đọc, tập viết.

Bởi vì nếu chỉ dạy rời từng chữ, từng vần, buộc học sinh ghi nhớ thì học như vậy vô ích vì học sinh không thể nhớ máy móc được. Muốn học sinh nhớ chữ, nhớ vần để đọc được, viết được thì phải đặt những chữ, những vần ấy vào từ, vào câu, vào đoạn văn, dù chỉ là những đoạn văn ngắn.

Người viết sách phải dựa vào vốn chữ rất ít ỏi của học sinh lúc ban đầu, soạn ra các bài đọc trong đó những chữ, những vần mới học được lặp đi lặp lại nhiều lần để học sinh không cần học thuộc lòng mà cũng không quên mặt chữ. Đây là một nguyên lí rất cơ bản của việc dạy ngôn ngữ.  

Yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết

Phóng viên: Vậy nếu không phải chương trình nặng thì điều gì dẫn tới những khó khăn trong việc học của một số học sinh lớp 1 như phụ huynh đang phản ánh, thưa ông?

Như tôi đã nói, chương trình là khung chung, bao năm nay vẫn vậy. Quá trình dạy-học nặng hay không tuỳ thuộc nhiều yếu tố.

Thứ nhất là phân bổ chương trình là việc của từng sách giáo khoa để đạt mục đích chung.

Thứ hai là do cách dạy của giáo viên. Qua hướng dẫn cho giáo viên một số nơi soạn giáo án để tổ chức các hội nghị chuyên đề về dạy học Tiếng Việt 1, tôi thấy, giáo viên thường nâng cao yêu cầu so với chương trình. Ví dụ, có giáo viên yêu cầu học sinh tự xác định số câu trong bài tập đọc; có giáo viên yêu cầu học sinh đọc diễn cảm,… Những nội dung nâng cao đó, tôi đã đề nghị cắt hết.

Thứ ba là do cách chỉ đạo của nhà quản lý. Hiện nay có tình trạng các nhà quản lý quá tập trung vào chuyện dạy viết, như thế là không đúng. Chương trình quy định dạy đọc khoảng 60% thời lượng, dạy viết chỉ khoảng 25%; còn 10% dành cho dạy nói, nghe và 5% cho kiểm tra, đánh giá.

Thế nhưng, hầu hết các trường lại quá đề cao việc viết, thậm chí còn đưa yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” vào tiêu chuẩn thi đua, khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết quá nhiều.  

Tôi biết, trước đây, dạy sách giáo khoa lớp 1 cũ, hầu hết giáo viên đều phải tranh thủ mọi thời gian, thậm chí cắt cả giờ dạy môn khác để cho học sinh tập viết.

Hiện nay, do mỗi tuần có 12 tiết Tiếng Việt, sách giáo khoa mà tôi làm chủ biên đã dành hẳn 2 tiết mỗi tuần để học sinh viết vở. Nhưng có giáo viên phàn nàn là ít giờ tập viết quá. Có lẽ cô giáo đã quen với việc dành tất cả thời gian để luyện “vở sạch chữ đẹp” rồi.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Học sinh lớp 1 biết nhận mặt chữ và viết được là tốt rồi

Phóng viên: Trên thực tế, dù cùng lớp, chung sách giáo khoa, có em học khá khó khăn, nhưng cũng có em vẫn theo kịp chương trình. Theo ông, vì sao có sự khác biệt này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể có học sinh đã học trước, điều này càng gây áp lực cho những em chưa học gì trước khi vào lớp 1. Do đó, giáo viên phải đánh giá công bằng, không so sánh giữa các học sinh với nhau mà căn cứ theo chuẩn cũng như tiến bộ của từng em. Học sinh lớp 1 biết nhận mặt chữ và viết được là tốt. Các em có cả năm học, cả cấp tiểu học để rèn luyện, không đi đâu mà vội.

Bên cạnh đó, năng lực, sở trường của mỗi học sinh một khác. Có em nhận thức chữ chậm nhưng học toán nhanh, hoặc học toán cũng chưa tốt nhưng rất khéo tay, vận động giỏi. Chúng ta không nên lấy một vài trường hợp không phổ biến để kết luận là chương trình hay sách thế này thế kia.

Với các em học chữ chậm, cần có những sự quan tâm nhiều hơn. Nhưng dù thế nào cũng không nên gây áp lực cho các em. Những việc đơn giản như học mặc áo mặc quần, đánh răng, tắm rửa, người lớn cũng phải hướng dẫn con nhiều lần, chứ đâu có phải một lần là xong được.

Phóng viênVậy theo ông, có những giải pháp nào để quá trình dạy học chương trình lớp 1 được thuận lợi, hiệu quả, đạt mục đích?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Giải pháp quan trọng nhất là giáo viên phải nắm vững mục tiêu của chương trình lớp 1, mục tiêu của từng bài. Đặc biệt lưu ý, không nên yêu cầu cao quá đối với học sinh lớp 1.

Dạy mỗi bài, giáo viên phải xác định đích của bài ấy là sau khi học xong, học sinh nhận được mặt chữ, biết đọc và biết viết. Những bài đầu các em có thể phải đánh vần. Có em đọc được, có em không. Giờ mới học chưa đầy 1 tháng, việc đánh vần, thậm chí quên chữ là bình thường.

Hoàn thành chương trình lớp 1, các em đọc được, viết được là tốt rồi, chưa cần đọc diễn cảm, đọc nhanh hay viết thật đẹp.

Ở các nước phương Tây, gần như người ta không dạy tập viết vì cho rằng sau này học sinh sẽ dùng máy vi tính, không cần rèn chữ. Nhưng quan điểm đó không phù hợp với quan niệm “nét chữ là nết người” ở Việt Nam.

Việc rèn chữ viết là cần thiết vì nó dạy tính cẩn thận, kiên nhẫn, óc quan sát, thẩm mĩ. Nhưng không phải vì vậy mà yêu cầu học sinh tập viết quá nhiều, với đòi hỏi quá cao.

Về phía nhà quản lý, nên xem xét lại tiêu chí thi đua “vở sạch chữ đẹp”. Không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi chữ đẹp. Nếu có thi thì nên để ở những lớp học sau.

Về phía xã hội, tôi mong báo chí phản ánh vấn đề toàn diện hơn, để động viên thầy cô và phụ huynh học sinh bước vào năm học mới. Ý kiến một số giáo viên và phụ huynh học sinh mà báo chí phản ánh rất đáng trân trọng.

Nhưng tôi không cho đó là kết quả điều tra khách quan, toàn diện. Bởi suốt từ đầu năm đến nay, những nơi dạy tốt, những ý kiến tán thành rất ít được phản ánh trên báo chí.

Dạy học sinh lớp 1 phải kiên nhẫn

Phóng viên: Phụ huynh có thể đồng hành như thế nào để thuận lợi cho quá trình học tập của các cháu, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Từ chỗ chưa biết chữ sang biết chữ là một bước chuyển rất lớn của đời người. Không thể mong một chốc làm được ngay một việc lớn như vậy.

Vì vậy, dạy học phải kiên nhẫn, tiểu học là phải kiên nhẫn, đặc biệt là dạy lớp 1. Còn về các vị phụ huynh thì nên hỏi để các thầy cô tư vấn về yêu cầu của mỗi bài học, làm gì và làm thế nào để giúp con.

Điều đáng quý là phụ huynh lớp 1, ai cũng quan tâm đến con, hỗ trợ các con học tập. Nhưng phụ huynh giúp được đến đâu là tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, chứ nhà trường không thể coi đây là “nhiệm vụ” bắt buộc của phụ huynh học sinh. Phụ huynh quan tâm và có thời gian kiểm tra, dạy dỗ con học hành thì tốt, nhưng điều cần nhất là dạy đạo đức, nếp sống và kĩ năng sống.

Thứ hai, chúng ta hãy hiểu, năm nay các cháu mầm non nghỉ 4 tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc trang bị cho các cháu trước khi vào lớp 1 có phần hạn chế, như dạy nền nếp, nhận mặt chữ, mặt chữ số.

Do điều kiện năm nay như vậy, giáo viên đã rất vất vả, chúng ta nên cùng chia sẻ để thầy cô giảm bớt áp lực, chuyên tâm dạy dỗ các cháu.

Xin trân trọng cám ơn GS!

 Thu Hạnh (thực hiện)

Tin tức khác