Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

BÁC HỒ QUYẾT TÂM RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC – DẤU SON MỞ ĐẦU TRANG SỬ MỚI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

26.05.2021 07:51234 đã xem

Phan Văn Bông – Trường CĐSP Đà Lạt

Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, với những đợt “mưa Âu, gió Á” truyền vào thông qua các Tân thư, Tân văn đã tác động sâu sắc đến thanh niên Việt Nam. Nhiều thanh niên hăng hái tìm đường ra nước ngoài, không phải vì mưu sinh mà vì một khát vọng cao cả - khát vọng cứu nước, cứu nhà, khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong bao lớp thanh niên ra nước ngoài có Nguyễn Tất Thành, nhưng anh không đi theo tiếng gọi của phong trào Đông Du “xuất dương sang Nhật” do Phan Bội Châu khởi xướng mà làm chuyến độc hành sang tận phương Tây. Quyết định này là một dấu son, một bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam, cho lịch sử dân tộc Việt Nam, mang lại con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam mà lịch sử đã chứng minh.

1. Quyết tâm sang phương Tây tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác – Lênin của Nguyễn Ái Quốc

Cuối thế kỷ XIX, tiếng súng của phong trào Cần Vương tắt lịm là sự cáo chung của ngọn cờ kháng Pháp theo đường lối phong kiến. Tác động từ sách, báo bên ngoài đã làm cho bộ phận sĩ phu yêu nước tân tiến thời bấy giờ có sự chuyển biến. Họ thấy không thể níu kéo ngọn cờ phong kiến nên đã hào hứng chấp nhận ngọn cờ cứu nước mới theo ý thức hệ dân chủ tư sản. Song, những hoạt động đầu tiên của họ nhanh chóng bị “dội một gáo nước lạnh”. Phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật; phong trào kháng thuế tại Trung kỳ thất bại, Phan Chu Trinh bị đày ra Côn Lôn; binh biến bất thành, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân lên đoạn đầu đài, vua Duy Tân bị đày sang Ruy - ne - ong; Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa… Cuối thập niên đầu của thế kỷ XX, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bị bao trùm trong khủng hoảng, bế tắc…

Làm thế nào để đánh đuổi được thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ - một thế hệ giàu lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng nhưng để trả lời câu hỏi đó thật không dễ dàng. Hai bậc tiền bối cách mạng Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu vẫn không ngừng tranh luận về con đường cứu nước: “ỷ Pháp cầu tiến bộ” hay “ỷ Nhật kháng Pháp”? Kết quả, một người bị Pháp cầm tù, một người bị trục xuất khỏi Nhật.

Nguyễn Tất Thành còn rất trẻ - có lẽ đây chính là ưu điểm. Với trí thông minh và sự nhạy cảm hiếm có về thời cuộc, Anh đã không sang Nhật, Anh đi ngược với làn sóng Đông du, một mình thực hiện cuộc đăng trình đến phương Tây - nơi các nhà thực dân đế quốc tự coi là xứ sở văn minh và có quyền đi “khai hóa” các xứ khác. Anh ra đi xem xét họ làm thế nào để trở về giúp đồng bào. “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Người Pháp đã nói thế và từ thưở ấy tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn đằng sau những từ ấy”[1].

Với quyết tâm và khát vọng ấy, ngày 5-6-1911, lấy tên mới Văn Ba, Anh làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin rời tổ quốc ra đi. Trên con đường tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi: Singapore, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Algérie, Tunisie, Hoa Kỳ…, tất cả hơn 30 nước. Có thể nói, quá trình bôn ba nhiều nơi trên thế giới giúp cho Nguyễn Tất Thành có những trải nghiệm hết sức quan trọng. Vậy là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống ngườigiống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôiTình hữu áí vô sản"[2]. Có thể nói, Anh có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng, vì vậy luôn trăn trở về khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Trên đất Mỹ, khi đứng dưới chân tượng thần Tự do, Người đã nói: “Dưới chân tượng thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”[3] – một câu hỏi đầy tính nhân văn mà Người khao khát tìm kiếm câu trả lời.

Cuối năm 1917, khi cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Nga chấn động thế giới đã có ảnh hưởng nhất định đến Nguyễn Tất Thành, Anh trở lại Pháp – tên thực dân đang trực tiếp cai trị nhân dân mình. Bắt đầu từ đây, Nguyễn Tất Thành đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhân sĩ trí thức, những nhà hoạt động chính trị người Việt tại Pháp cũng như chính khách các nước. Anh tham gia các sinh hoạt chính trị tích cực, sôi nổi. Anh luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, đồng bào mình lên trên hết, trước hết. Đầu năm 1919, anh gia nhập Đảng Xã hội Pháp “vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp”[4].

Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, bản Yêu sách của nhân dân An Nam được gửi đến Hội nghị Versailles và được ký tên Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn “người yêu nước”. Bản Yêu sách của Nguyễn Ái Quốc đã không được các đế quốc thắng trận để mắt tới, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời hoạt động của Anh. Từ sự kiện này, “ông Nguyễn hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình”[5].

Từ những nhận thức rút ra trong thực tiễn sau gần mười năm tìm đường cứu nước, tháng 7 năm 1920, Hồ Chí Minh đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Đây là mốc đánh dấu Hồ Chí Minh tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong lập trường chính trị và tư tưởng cứu nước của Người, hình thành ở Người chủ nghĩa yêu nước kiểu mới dựa trên hệ tư tưởng giai cấp công nhân. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hòa các mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp và quốc tế, thể hiện tập trung ở mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc gắn liền với mục tiêu và con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh từ người yêu nước thành người cộng sản, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được nâng lên, tỏa sáng trên lập trường giai cấp công nhân. Từ đây, chủ nghĩa Mác - Lênin có điều kiện thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, trước hết là phong trào công nhân và phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930, tạo nền tảng đường cho các thành công của cách mạng nước ta sau này.

2. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ - dấu son mở đầu trang sử mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Thứ nhất, có tinh thần dấn thân, quyết tâm cao và xác định hướng đi tìm đường cứu nước đúng đắn. Trước bối cảnh hàng loạt phong trào yêu nước, chống Pháp dưới nhiều hình thức đấu tranh đều thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng khoảng nghiêm trọng về đường lối. Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, với trí tuệ thiên tài, sự nhạy cảm chính trị, đã vượt qua tầm nhìn của những nhà yêu nước đương thời để quyết định hướng đi mới cho mình với mục đích rõ ràng: tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ thực dân. “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp, Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[6] – sau này Người đã trả lời Anna Luy Xtơrông - nhà văn Mỹ như vậy. Với hành trang nặng trĩu lòng yêu nước, thương dân, lầm than tủi nhục dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Người đi đến nhiều nước trên cả 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ, hòa mình vào đời sống của những người cần lao trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu các nước đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng, Người đã nhận thức rằng, ở đâu cũng chỉ có hai hạng người: một hạng thì giàu có, do đàn áp, bóc lột mà có; còn một hạng thì lam lũ, đói rách, bị đàn áp, bóc lột nặng nề. Đây là một chứng nghiệm quan trọng trong tư duy yêu nước của chàng trai trẻ.

Thứ hai, có sự trải nghiệm tinh tế, nhận thức đúng bạn và thù, thấy được chân tướng của chủ nghĩa tư bản. Các khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ là những mỹ từ dân túy che đậy bản chất thật sự của giai cấp tư sản. Chúng chà đạp lên mọi quyền của con người và quyền tự do bình đẳng của các dân tộc. Hội nghị Versailles (1919) đã giúp Người nhận rõ chân tướng của các nước đế quốc, của chủ nghĩa tư bản. Hồ Chí Minh thấy rõ tính hạn chế cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ năm 1776, ở Pháp năm 1789. Người rất khâm phục ý chí giành độc lập tự do của nhân dân Mỹ nhưng không thể đi theo con đường của cuộc cách mạng đó được; “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai…Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc[7]. Người rất khâm phục tinh thần của cách mạng Pháp, song thấy cũng không thể đi theo con đường đó vì “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lực công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[8]. Người đi đến kết luận rằng, con đường cách mạng tư sản đã lỗi thời. Do đó, học thuyết về dân chủ tư sản không thể là lý luận cách mạng cứu dân tộc ta khỏi cảnh đời nô lệ; không thể đem lại quyền làm chủ cho số đông nhân dân lao động, làm cho dân tộc độc lập, tự do và mọi người được hạnh phúc thực sự.

Thứ ba, sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc đúng đắn bằng cách mạng vô sản. Có nhiều nhà hoạt động cứu nước, nhiều chí sĩ đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin, với Cách mạng Tháng Mười Nga, nhưng không ai thấy được giá trị của nó với công cuộc đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc. Nhưng, với trí thông minh xuất chúng, vốn học thức uyên thâm, vốn sống thực tiễn phong phú, Người đã tiếp cận Cách mạng Tháng Mười Nga, đến với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hiểu rõ chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga và Quốc tế III chủ trương giải phóng dân tộc bị áp bức như là một chặng đường cần thiết trong cuộc giải phóng con người. Những nhận thức khoa học đó đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước chân chính thành một chiến sĩ cộng sản. Người viết: “Chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa cách mạng khoa học nhất”[9]. “Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ một thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”[10]. Đây là nhận thức đúng, là lựa chọn sáng suốt của Người, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là bước ngoặc, là dấu son chói lọi cho lịch sử nước nhà.

Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải đáp về mặt thực tiễn cho cách mạng Việt Nam, vì đây là cuộc cách mạng triệt để nhất, đem lại tự do quyền lợi thực sự cho người lao động và tạo điều kiện cho các dân tộc phát triển phù hợp với xu thế của thời đại mới. Nguyễn Ái Quốc cho rằng “Theo chủ nghĩa Mác – Lênin thì chẳng những cần thiết biết quy luật thế giới để giải thích thế giới mà còn phải dùng sự hiểu biết ấy để cải tạo thế giới… Lý luận ấy sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động”[11].  

Người đã lấy cơ sở phương pháp luận khoa học cách mạng nhất của thời đại - chủ nghĩa Mác – Lênin, để soi sáng thực tế Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến lúc bấy giờ, tìm ra vấn đề đòi hỏi cấp thiết nhất cho cách mạng Việt Nam. Người xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản”[12]. Người đã vạch rõ nhiệm vụ lịch sử cấp bách của dân tộc là đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Tức là cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn có mối quan hệ khăng khít với nhau “Cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa”[13].

Thứ tư, biết vận dụng hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin để tập hợp lực lượng, thành lập chính Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người nhận thấy nhiệm vụ cấp bách của cách mạng vô sản đối với các nước thuộc địa trước hết là cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây là sự nghiệp của đông đảo quần chúng nhân dân, của cả dân tộc, chứ không thể là công việc của một vài người, của một nhóm người, cũng không phải của riêng một giai cấp. Cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa muốn thành công thì “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì tổ chức vận động dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[14].

Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, xã hội nước nhà, Người thấy rằng Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến nên Đảng Cộng sản nếu chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân thì chưa đủ mà phải “chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[15]. Có thể thấy rằng, sự hiểu biết sâu sắc lịch sử, văn hóa, xã hội nước nhà và sự sáng tạo trong vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lenin vào nước ta với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng nước ta đến thắng lợi vẻ vang.

Bác Hồ - Người: TÌM ĐƯỜNG, MỞ ĐƯỜNG và DẪN ĐƯỜNG cho cách mạng nước ta từ đầu thế kỷ XX đến nay. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Người, nhà thơ Tố Hữu đã nói rất hay:

                         Muôn dặm đường xa biết đến đâu?

                        Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu

                       Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng

                       Bạn cùng ai đất khách dãi dầu?

Và:                 Từ đó Người đi những bước đầu

                       Lênh đênh bốn biển, một con tàu

                      Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi

                     Tay đốt lò, lau chảo, thái rau.

Để rồi:                        Ôi sáng xuân nay, xuân 41

                                  Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

                                  Bác về…Im lặng. Con chim hót

                                 Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.

                                (Tố Hữu – Theo chân Bác)

Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành không phải là quyết định giản đơn, tình cờ, mà là kết quả tổng hợp của một quá trình phân tích, lý giải khoa học những nhân tố thuận - nghịch của bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để lựa chọn đúng hướng đi và sáng suốt lựa chọn con đường cứu nước thành công.

110 năm đã trôi qua với bao nhiêu biến động của thế giới nhưng nhìn lại sự kiện lịch sử này, có thể khẳng định rằng: Những thành quả của dân tộc Việt Nam đã đạt được trong công cuộc giải phóng đất nước, xây dựng hòa bình, hay trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay là minh chứng hùng hồn nhất, là những thành quả to lớn có được từ quyết định rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Và như thế, mang ý nghĩa như một dấu son mở đầu cho chặng đường lịch sử mới đầy vinh quang của lịch sử dân tộc...

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Danh nhân Hồ Chí Minh, NXB Lao Động, Hà Nội, 2000, tr113.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.266

[3] Dẫn theo: Danh nhân Hồ Chí Minh, NXB Lao Động, Hà Nội, 2000, tr114,115.

[4] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 1, Hà Nội, 1992, tr 64.

[5] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện  về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, bản điện tử, tr14

[6] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Thông tin lý luận, H. 1992, Tập 1. tr. 47 – 48.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập 2, tr.270.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập. 3, tr 280.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập 6, tr 479.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập 8, tr 562. 

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập 6, tr 253 - 254.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập 9, tr 314.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập9 , tr. 581.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 1996, tập2, tr. 267 – 268.

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. CTQG, H. 2002, tập10, tr. 8.

Tin tức khác