Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

Bài viết gương điển hình tiên tiến

20.11.2020 21:40412 đã xem
MỘT VÀI DẤU BA CHẤM...

Bài viết gương điển hình tiên tiến

Học sinh: Nguyễn Thị Phương Thảo

Lớp: 12 văn (17-20)

MỘT VÀI DẤU BA CHẤM...

 

Tôi vẫn luôn thích mấy câu thơ này của Xuân Diệu:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Thú thực, thơ ông, tôi vừa yêu, vừa sợ. Tôi yêu điệu trẻ, sức trẻ, nhưng cũng chính điệu trẻ sức trẻ ấy khiến lòng tôi đường thời sôi nổi bỗng chựng lại một phút suy tư. "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại". Quả là có hơi nhiều sự vô lý. Đáng ra tôi, đang lúc "mười bảy tuổi bẻ gãy sừng trâu", đáng lẽ nên vô tư ngạo nghễ, nhưng tôi lại ngồi đây, trầm tại, nghiền ngẫm về tôi, về người, về tuổi của mình để mãi hoài tiếc nuối từng giây phút xuân xanh. Có lẽ là tôi đây đã hơi già so với lứa tuổi. Có lẽ...

 

Tôi vẫn lấy làm lạ. Thường, khi nhắc về tuổi trẻ, về tuổi học trò, người ta sẽ nhớ về những sớm tinh khôi áo trắng, về những chiều rạo rực phượng hồng. Còn tôi đây, tôi lại khác. Loài hoa học trò đôi với tôi không phải phượng vĩ mà là mai anh đào, và lòng tôi thì mãi luôn nhung nhớ một người đặc biệt, thực sự đặc biệt...

 

Đó là người nghỉ phép nhiều nhất, nhưng lại là người chăm chỉ nhất, tận tụy nhất...

Người đặc biệt của tôi, vào ngày đầu chúng tôi gặp nhau đã tuyên bố: "Các bạn sẽ thường xuyên không gặp cô, sẽ có những lúc vắng mặt đột xuất nên đừng lấy gì làm lạ." Tưởng chỉ là lời nói đùa vu vơ, nhưng không ngờ người ấy làm thật.

Người tôi thương sức khỏe không tốt, đến mãi sau này tôi mới biết. Những lần nghỉ phép đó là những lần cô tái khám, là những lần vừa hồi hộp vừa lo lắng: hồi hộp vì kết quả cho sức khỏe của mình, lo lắng vì đàn trẻ ở nhà không ai quán xuyến. Tôi không rõ, chỉ rõ rằng mỗi lần Người vắng mặt, tất cả những đứa trò chúng tôi đều vô tư đi trễ hơn giờ mà cô quy định mà không sợ bị ai đó bắt phạt trực nhật, đều đủng đỉnh làm tất cả mọi thứ một cách đầy biếng nhác,... Nhưng chúng tôi chỉ giữ niềm vui trẻ con ấy trong lòng, ở một góc nhỏ; còn trung tâm của những trái tim trẻ đó là nơi dành cho nỗi nhớ: nhớ một dáng người thấp xinh, nhớ một nụ cười, nhớ một ánh mắt,...

Nếu có người hỏi ai là người lười nhất lớp tôi, tôi sẽ chần chừ khó nghĩ, bởi lớp tôi ai cũng như nhau cả, cá mè một lứa biếng nhác trăm đường. Nhưng nếu hỏi ai là người chăm chỉ cần mẫn nhất, tôi sẽ không ngại ngần mà nhắc tới người tôi thương. Cô chăm chỉ đưa đón các con của mình sáng tối, cô chăm chỉ lên lớp sớm kiểm tra từng đứa học trò, cô chăm chỉ dò bài, cô chăm chỉ cười, cô chăm chỉ trong cả việc trừng mắt lườm trò đùa giỡn...

Và cô chăm chỉ yêu thương...

Một ngày nào đó khi tôi còn đủ sức để trưởng thành, tôi không chắc rằng lòng mình có thể rộng mở được như thế. Tình yêu của một người hóa ra lại có thể lạ lùng đến vậy. Chúng mình cớ sao phải nhớ, và chúng mình cớ sao phải yêu? Con tim mình bé nhỏ, nó không đủ sức để thoát khỏi những mũi tên của tiểu thần Cupid. Chúng ta vẫn nhớ, vẫn yêu, chúng ta vẫn vô thức mà mong đợi được gặp lại một dáng hình, được nghe một thanh âm, được nắm lấy đôi tay và kiếm tìm hơi ấm từ một cái ôm trọn vẹn. Nhưng lại có những người không cần tới thần tình yêu, không cần chờ đợi những cái nắm tay, những cái ôm, cũng không cần chờ tới bất cứ một sự hồi đáp nào của thế gian; họ vẫn yêu như cách mà cô yêu chúng tôi, họ vẫn nhớ một cách âm thầm kín đáo, họ cho đi bằng tất cả sự hào sảng mà không cần chờ hồi âm... Tình yêu trong cô dành cho thế gian hóa thành tình thương, một thứ tình thương làm ấm, làm chậm lại những tâm hồn non dại đang đuổi theo một thứ gì đó rất mau lẹ, thoáng qua trước mắt, làm ấm lên những con tim đang bơ vơ giữa những cơn gió mùa của tuổi trẻ.

Và thế đấy, người chăm chỉ nhất, tận tụy nhất ấy chính là người tôi thương: cô chủ nhiệm của tôi.

 

Đó là người hay la mắng nhất, ồn ào, nhưng lại luôn là người bình tĩnh, bản lĩnh, điềm đạm nhất...

 Người tôi thương là một người kì lạ. Đó là người có khả năng phủ định lại những quy luật vật lý để chứng minh cho một điều: tốc độ âm thanh truyền nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Trước khi cô xuất hiện thường là những tiếng mắng: "đứa nào hôm nay trực nhật?" và tận một lúc lâu sau mới thấy bóng hình cô. Vậy đó, trong gần ba năm trời cô đã hàng ngàn lần chứng minh cho quy luật ngược đời của mình, và hàng ngàn lần đó chúng tôi đã tin một cách vô điều kiện.

Không hiểu vì lý do gì mà mỗi lần cô xuất hiện là một lần sự ồn ào lên ngôi. Ở với lớp tôi lâu ngày, giáo viên chủ nhiệm bỗng trở thành người nổi tiếng. Chỉ cần nghe thấy tiếng, nhìn thấy dáng cô từ xa là học trò xúm xít chạy tới, đứa sách cặp đứa ôm vai, đứa bắng nhắng hỏi han đủ mọi chuyện trên đời. Tôi không rõ cô cảm thấy như thế nào, nhưng tôi đây chỉ mong những giây phút đó kéo dài mãi mãi. Cô đi giữa chúng tôi, chúng tôi cùng cô bước, cứ thế mà qua ba năm, cứ thế mà đi qua chặng đường rất xa của khoảng cách thế hệ.

Mang tiếng là lớp văn , nhưng giá như trong lóp có một bạn gái nào đó đúng nghĩa con gái, dịu dàng nết na, nghiêm túc học hành thì chúng tôi đây cũng đỡ tủi. Nhưng không. Lớp văn của năm ấy nghịch hơn bất cứ khi nào, vi phạm vô số điều, bị mắng vốn vô số lần. Và vì thế mà cô cũng mắng chúng tôi nhiều không kể nổi. Ấy rồi đến một ngày, khi đang hờn dỗi cao giọng với lũ cáo non chúng tôi, cô dừng lại: "cô mắng mấy đứa nhiều thế nào cũng được nhưng cô không muốn người khác mắng học trò mình." Có lẽ, cô tôi, chúng tôi là những kẻ thích mơ mộng, thương nhau và muốn thương nhau. Chúng tôi là những kẻ hạnh phúc nhất trên đời...

 

Đó là người yếu đuối nhất, nhưng cũng là người mạnh mẽ nhất...

   Cô tôi mang bệnh, những thứ bệnh tôi không dám nhắc tới, cũng chưa một lần dám nghĩ là mình sẽ đủ sức đương đầu như cách mà cô đã đối diện. Chúng tôi đều biết cô đau, tóc cô thưa, tay cô không khỏe. Những cuộc phẫu thuật, những đợt hóa trị khiến cô mệt mỏi, yếu đi trông thấy; cô không thể tự do ăn những thứ mình muốn, cô không thể tự do đi xa, không thể tự do mơ và theo đuổi cơn mơ như cách mà tuổi trẻ chúng tôi đang làm...

Nhưng tất cả những gì tôi biết chỉ dừng lại ở đó. Tôi chưa một lần thấy cô mình khóc, đó là sự thật. Không phải cô là người lãnh đạm thờ ơ, cô là người nhạy cảm hơn bất kì một người nào khác. Chỉ là những nối đau đó, những muộn phiền đó cô giấu hết ra sau ánh mắt. Mắt cô vẫn cười, lòng cô vẫn rộng, rộng và sâu.

   Tôi không hiểu sức mạnh nào đã khiến người phụ nữ bé nhỏ ấy có thể gánh vác tất cả, cầu toàn tất cả. Ở tuổi tôi, ở tuổi của những vô tư bồng bột, của những nỗi lo đầy tính vị thân, thì cách sống của cô là một điều lạ lẫm. Sáng dậy sớm, nấu nướng dọn dẹp, chở con đi học, cô đến với chúng tôi, rồi lại dầy bận rộn mà đi đón con và sau đó quay về vòng tuần hoàn cũ. Có một lần cô đã nói với tôi thế này: "Con ạ, giờ cô phải sống nhanh. Cô không biết mình có bao nhiêu thời gian, nên cô muốn ngày mai tất cả mọi thứ đều phải sẵn sàng, phải chỉn chu nhất, sạch sẽ gọn gàng nhất cho con của mình." Nếu bạn đứng ở đó, bạn sẽ khóc như tôi. Tôi bất giác mà nghĩ về ba mẹ của mình. Nếu ngày mai ba mẹ không còn nữa, ai sẽ ủi áo cho con, ai sẽ hằng ngày đưa con tới lớp, ai sẽ mắng mỏ bắt con phải học cách sống tự lâp, và ai sẽ thay ba mẹ thương con? Tôi muốn quay về nhà ngay lập tức.

   Tôi chưa hiểu thời gian và sức trẻ có nghĩa lý gì đối với một người đã bước qua chặng đường bốn mươi tuổi. Đó là điều kiện cần để hồi xuân, đó là điều kiện đủ để tiếp tực cống hiến, hay đó là tất cả đối với một người ý thức được về chặng đường chưa thấy đích những đã biết đích của đời mình, là tất cả những gì họ ước ao để có thể yêu thêm một chút, chăm sóc những người mình yêu thêm một chút?... Hóa ra, mạnh mẽ và bản lĩnh không phải là việc người ta có thể nhấc một tảng đá hay lãnh đạo một công ty; mạnh mẽ nhất là những người có thể chấp nhận sự yếu đuối của mình và bản lĩnh nhất là những người có thể lấy sự mạnh mẽ của mình biến thành động lực sống cho kẻ khác. Và cô tôi là một người như thế.

   Tôi đã từng là một kẻ không quý trọng sinh mệnh của mình. Tôi đã từng bi quan, từng phẫn nộ tới mức muốn chấm dứt cuộc đời của mình một cách mau lẹ nhất, nhưng tôi đã không làm được. Không phải vì tôi nhận ra một điều gì đó đủ sức cảm hóa lòng người, chỉ là tôi sợ đau, thế thôi. Và rồi đến bây giờ khi gặp được cô, tôi bắt đầu nghĩ nhiều về sự sống và cái chết. Người ta thường cho rằng sống là một hành trình, tôi thì ngược lại. Tôi sẽ gọi đó là "hành trình chết" và "điểm sống". Tất cả chúng ta đều đang đi về một kết thúc: cái chết, dù là tuổi mười tám như tôi, hay đã đứng ở "cái dốc bên kia của cuộc đời" như Nam Cao đã nói, thì ta vẫn sẽ chết, vẫn sẽ biến mất khỏi thế gian. Mình chỉ có thể sống thực sự trong giây phút này, tại một thời điểm duy nhất; quá khứ là hồi ức, tương lai là mộng tưởng, cả hai đều không phải là sự sống. Nhìn vào cô tôi, chúng ta đều có thể nhận ra điều đó: hiện tại là điểm sống, và ý nghĩa sống chỉ nằm trong giây phút đương thời.

 

"Nếu tôi là nhà văn, tôi sẽ biên soạn một cuốn sổ sinh tử, kèm theo một dòng ghi chú về những cái chết khác nhau của loài người: ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống."

Michel De Montaigne, "Rằng học triết là để học cách chết"

  Tôi không cần có một cuốn sổ sinh tử, chỉ riêng việc dõi theo cô là tôi đã có đủ động lực và niềm tin để tiếp tục bay cao. Cái chết chính là sự định nghĩa rõ ràng nhất của sự sống, vì thế tôi không còn sợ cái chết, nó sớm muộn rồi cũng xảy ra. Tôi chỉ sợ rằng, mình có tuổi trẻ, mình có sức lực, mình có ước mơ có tham vọng, mình có tài sản là những sở trường mà cha mẹ đã ban tặng,... Mình đã có tất cả nhưng đến phút cuối lại chẳng còn lại gì. Có những con người rồi sẽ tan biến đi; tôi không muốn tan biến đi một cách dễ dàng như thế, tôi muốn cuốn Album cuộc đời của mình không bao giờ bị đóng lại. Tôi muốn sống như cô...

  Tất cả chúng ta đều đã mơ những điều quá xa vời, chúng ta tốn sức khỏe, sức trẻ và tuổi xuân cho những điều không đáng, chúng ta chưa một lần thấp lại để nhìn thấy trời cao xanh, chúng ta đang nợ chính mình những ngọn lửa và cả những ngọn gió của thời niên thiếu. Yếu đuối không phải là lỗi lầm của số phận, yếu đuối là do lỗi của chúng ta. Đến một lúc nào đó rồi ta cũng sẽ nhận ra điều bản thân muốn làm nhất, khát vọng nhất, khiến con tim mình hạnh phúc nhất, rồi ai cũng sẽ nhận ra, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Và ta sẽ làm gì tiếp theo...

Có một con tim đã được, đang được và sẽ được truyền cảm hứng. Có nhiều con tim cũng đang như thế.

Nhờ một người đặc biệt: cô tôi...

  Quyết định đẹp nhất của tôi từ trước tới nay là trở thành một học sinh chuyên văn. Người ta, mỗi lần nghe tới hai chữ "chuyên văn", ngoài mặt sẽ tươi cười ngưỡng mộ nhưng tôi biết, trong giây phút đó họ đã nhủ thầm:"ồ chỉ là chuyên văn thôi mà." Thế đấy. Nhưng hãy thử một ngày học chuyên văn, hãy là một ngày sống chuyên văn, rồi anh sẽ thấy mọi thứ sẽ khác: góc nhìn khác khiến hành động khác, hành động khác khiến thói quen khác, thói quen khác khiến thành công khác, thành công khác khiến cuộc sống khác. Và hơn cả những điều đó, tôi yêu chuyên văn vì tôi yêu những con người ở  đó. Tôi yêu cách mà hai cô giáo của tôi làm bạn với nhau và làm bạn với trò, cả cách mà họ nâng nhau lên và cách mà họ đỡ chúng tôi lên. Tôi yêu cách mà cả lớp toàn con gái yêu thương nhau; chúng tôi có thể có bất hòa, nhưng chúng tôi có thể sẵn sàng làm mọi thứ vì nhau, cho nhau. Vào một ngày trời mây, cả lớp tôi không ai bảo ai, khép cửa ngồi trong lớp khóc, tất cả, khi nghe tin bệnh của cô trở nặng; cũng chiều hôm đó chúng tôi cùng nhau gấp một ngàn con hạc giấy tặng cô, tặng cô bằng tất cả tình yêu thương, tất cả hi vọng, tất cả sự chân thành và tất cả sự biết ơn mà chúng tôi mang trong tim mình. Tôi yêu ba năm cấp ba với tất cả những kỉ niệm vui buồn, tôi yêu là những bông bìm bìm tím ngắt lặng lẽ trổ bông ở một góc nhỏ của sân trường. Tôi yêu tất cả...

 

Cô tôi,

Là cầu nối cho những yêu thương...

Là tấm gương cho những tâm hồn thơ dại...

Là điểm tựa, là động lực, là sức mạnh...

Là niềm tin, là hi vọng, là những lời hứa dài lâu...

 

 

Nhớ rằng, xưa, Trịnh Công Sơn đã từng hát:

"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi phận người

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi."

 

Nay, tôi xin góp vào điệu nhạc ấy thêm một vài ý niệm:

"Dù hạt bụi hóa kiếp thân tôi

Thì hồn tôi vẫn mặt trời sáng rọi

Ta hát vì cuộc đời

Và cuộc đời gõ nhịp hòa ca..."

   Những dấu ba chấm này đây, tôi không dành cho bất cứ ai; bất cứ ai cũng đều tự có một và nhiều những dấu ba chấm như thế. Tuổi trẻ, tuổi đời, tuổi gì rồi cũng sẽ qua, nhưng mỗi chúng ta sẽ không chết đi, chúng ta chỉ hóa thành những nốt lặng, những nốt ngân, chúng ta ở đó và hoàn thành những âm giai cho bản giao hưởng cuộc đời.

    Và rồi quay trở lại, đến một lúc nào đó, khi học trò từng lớp từng lớp rời đi và ngôi trường dần hóa thành người thầy trăm tuổi, những đứa trò năm ấy sẽ lớn lên, già đi, lòng dần rắn lại, và trong dòng chảy cuộc sống chúng sẽ có nhiều lúc quên trường, quên cô, quên bạn, quên cả chính bản thân mình của một thời quá vãng. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có những lúc mà anh ta chỉ cẩn nghe một âm điệu quen thuộc của một bài hát năm xưa, anh ta sẽ ngẩn ngơ trong một thoáng, rồi bất giác mỉm cười, rồi lại bất giác lặng im để tâm hồn mình khước bỏ hết tất cả những bận rộn thường nhật, mà quay về với những kí ức xưa. Tuổi áo trắng là thế, tuổi của những dấu phẩy, những dấu chấm than, và sau tất cả nó để lại trong cõi lòng ta đây là những trang kí ức đầy những nốt lặng. Tuổi học trò: kết thúc. Hay là không?...

   Tôi đã nói rằng đối với tôi, mai anh đào mới là hoa của học trò. Phải. Chúng tôi đã cùng nhau hứa hẹn sẽ chụp hình cùng hoa, những tấm hình xuân của hoa và xuân của mình. Nhưng hai năm qua, lời hẹn ấy vẫn còn đang bỏ ngỏ. Chỉ còn lại một năm cuối, năm cuối cho tất cả những cơ hội được ở cùng nhau một cách trọn vẹn, năm cuối cho hoa đào của riêng chúng tôi, năm cuối cho một thời ngây ngô áo trắng. Chúng tôi rồi sẽ lớn, sẽ xa cô, xa trường, xa nhau. Nhưng chúng tôi, khi bước trên con đường của mình, sẽ mãi nhớ về nhau, về những lời hứa hẹn năm nào.

   Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm sau, hoa đào hàng năm sẽ nở. Chúng tôi thì không còn là những con người như cũ, nhưng chúng tôi rồi sẽ gặp lại, bằng cách này hay cách khác. Cô và chúng tôi. Chúng tôi và hoa đào.

   Hàng đào trang trút lá...

Tin tức khác