Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

CHUNG TAY THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG HỖ TRỢ GIÁO DỤC VÙNG SÂU, VÙNG XA VÀ PHONG TRÀO TRƯỜNG GIÚP TRƯỜNG

17.06.2021 14:59677 đã xem

Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập, không những cần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường mà còn phải quan tâm đến đổi mới giáo dục- đào tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Việt Nam là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Trải qua nhiều năm, Đảng và Nhà nước luôn xác định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” cùng với sự chung tay của toàn thể Nhân dân, giáo viên và học sinh trên c nước, giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu.

 Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do thu nhập bình quân đầu người giữa thành phố và các tỉnh miền núi chênh nhau tới ba lần, giữa địa phương có thu nhập thấp nhất với địa phương có thu nhập cao nhất tới năm lần. Mặt khác, dân cư thưa thớt, nền kinh tế còn kém phát triển cho nên việc đến lớp học tập, nâng cao trình độ của học sinh vùng khó khăn cũng không dễ. Trong khi ở các thành phố và các tỉnh đồng bằng, đời sống nhân dân đã được nâng cao; cái đói, cái rét đã không còn đeo bám nặng nề thì còn nhiều nơi, nhất là vùng núi, vùng sâu, mỗi mùa đông đến vẫn còn nhiều học sinh không đủ áo ấm đi học, không đủ chăn ấm ngủ qua đêm. Bên cạnh đó, thiên tai hằng năm cũng gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở vật chất của các trường học. Mỗi trận bão hoặc mỗi cơn lũ dữ đi qua lại có hàng trăm phòng học và đồ dùng học tập bị cuốn trôi, hư hỏng; hàng nghìn giáo viên, học sinh lâm vào tình thế khó khăn, phải học nhờ, học tạm. Ðáng chú ý, vẫn còn hiện tượng học sinh vùng sâu, vùng xa chỉ ăn một bữa trong ngày hoặc phải dành nhiều thời gian cho lao động kiếm sống giúp gia đình, không có nhiều thời gian cho học tập.

Trước những khó khăn đó, cùng với những chính sách ưu tiên của Nhà nước, việc chung tay chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng đối với các giáo viên, học sinh vùng khó khăn có thêm điều kiện để dạy và học ngày một tốt hơn là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, cuộc vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp đỡ học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phong trào “Trường giúp trường” do Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động nhận được sự hưởng ứng sâu rộng.

Là một đơn vị vùng ven, trường THPT Lê Hồng Phong đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành về cả cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thầy trò trường THPT Lê Hồng Phong đã có được một số thành quả đáng khích lệ, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất để tạo môi trường dạy và học tốt hơn. Để chia sẻ khó khăn với các trường vùng sâu, vùng xa, trong những năm qua, thực hiện theo kêu gọi của Công Đoàn ngành giáo dục Lâm Đồng, trường THPT Lê Hồng Phong đã triển khai và thực hiện hiệu quả cuộc vận động quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa và phong trào “Trường giúp trường”. Thầy và trò trường THPT Lê Hồng Phong luôn nhận thức rằng “Cuộc vận động ủng hộ giáo dục vùng sâu vùng xa và phong trào trường giúp trường” là một hoạt động rất có ý nghĩa thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngay từ đầu những ngày phát động phong trào, công đoàn đã xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện, được chi bộ, chính quyền hỗ trợ tích cực cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và học sinh. Nhiều năm qua, công đoàn đã phối hợp cùng chính quyền tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên tham gia đóng góp trên tinh thần tự nguyện để giúp các đơn vị như trường THPT Pró, THPT Đạm Ri, THPT Đạ Tông, THCS và THPT Lộc Bắc, THCS và THPT Xuân Trường. Cụ thể: năm học 2016-2017 hỗ trợ trường THPT Pró 20.000.000 đồng; năm học 2017-2018 hỗ trợ trường THPT Đạm Ri 20.000.000 đồng; năm học 2018-2019 hỗ trợ trường THPT Đạ Tông 10.000.000 đồng và gần 3000 sách vở, quần áo học sinh; năm học 2019-2020 hỗ trợ trường THCS và THPT  Lộc Bắc 11.000.000 đồng và sách vở; năm học 2020-2021 hỗ trợ trường THCS và THPT Xuân Trường 10.172.000 đồng. Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng xa và phong trào “Trường giúp trường” tập thể đoàn viên công đoàn nhà trường đã quyên góp được 71.172.000 đồng.

Ngoài những tham gia đóng góp phong trào “Trường giúp trường” và cuộc vận động hỗ trợ ủng hộ giáo dục vùng sâu vùng xa do Công đoàn ngành phát động, công đoàn trường THPT Lê Hồng Phong còn tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện khác như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lụt miền Trung, nhận đỡ đầu học sinh trong trường. Từ năm 2016 đến năm 2020 trường đã vận động được số tiền hơn 250.000.000 đồng để xây dựng 03 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách ở xã Hòa Ninh, xã Hòa Bắc. Ủng hộ đột xuất gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn 25.000.00 đồng. Trong năm học 2020-2021, một học sinh của trường rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý định bỏ học để phụ giúp gia đình, nhà trường đã vận động thầy, cô và bạn bè đóng góp được 13.700.000 đồng để động viên hỗ trợ em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường; quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt hơn 14.000.000 đồng.

Để thực hiện tốt công tác quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa và phong trào “Trường giúp trường”, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp sau:

 Một là, luôn phát huy vai trò tiên phong của tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền vận động, làm cho mỗi đoàn viên thấy được ý nghĩa thiết thực của việc làm để tự giác, tự nguyện tham gia.

 Hai là, các đơn vị trường học cần huy động sự đóng góp của nhiều lực lượng như giáo viên, học sinh và phụ huynh trong trường, các nguồn lực xã hội với tinh thần “góp gió thành bão” để tạo nguồn lực giúp đỡ các trường khó khăn được nhiều hơn (quyên góp tiền, sách vở, quần áo, bàn ghế…)

 Ba là, Công đoàn cấp trên cần tuyên dương, khen thưởng các công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện tốt công tác quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa và phong trào “Trường giúp trường”; Các đơn vị trường học cần động viên, khuyến khích và tuyên dương các cá nhân, tập thể học sinh thực hiện tốt công tác quyên góp.

Bốn là, ngoài những đóng góp về vật chất, trong thời gian tới cần có sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, từng bước đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì thực tế chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn đang còn chênh lệch khá nhiều.

Có thể nói, cuộc vận động quyên góp giúp đỡ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và phong trào “Trường giúp trường” của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói chung và của Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã mang lại kết quả thiết thực. Cuộc vận động không chỉ khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục vùng khó khăn nói riêng ngày càng đạt kết quả cao.

Trong thời gian tới mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, song tin rằng bằng nghị lực, lòng nhiệt huyết, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách” của đội ngũ nhà giáo và các em học sinh trong tỉnh, cuộc vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và phong trào “Trường giúp trường” của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả hơn nữa.

CĐCS TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG

Tin tức khác