Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ TIẾP – NGƯỜI THẮP SÁNG NGỌN LỬA ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO HỌC SINH

30.03.2021 14:591236 đã xem

Tọa lạc trên km 17, quốc lộ 20, mái trường THPT Lê Hồng Phong ẩn hiện thấp thoáng dưới những hàng cây tươi xanh, ngời lên sức sống diệu kì. Ở nơi ấy, có học sinh thân yêu, có đồng nghiệp đầy tình thương mến thương. Chúng tôi xem nhau như đại gia đình, chung sức đồng lòng cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp “trồng người”. Trong đại gia đình ấy, có rất nhiều thành viên khiến chúng tôi rất đỗi tự hào. Một trong số đó là cô giáo dạy môn Sinh học - Nguyễn Thị Tiếp.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình, nơi có “Đồng lúa mênh mông, cò bay thẳng cánh/ Cửa biển Diêm Điền, Đồng Châu sóng lặng/ Chùa Keo treo bóng trăng rằm”. Ngay từ nhỏ, ước ao cháy bỏng của cô gái miền đất lúa là trở thành cô giáo. Mơ ước ấy đã trở thành hiện thực khi chị bước chân vào giảng đường đại học nơi xứ sở ngàn hoa. Sau khi tốt nghiệp ra trường, “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/ Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường”, chị vào công tác tại ngôi trường khá xa trung tâm huyện Di Linh – trường THPT Nguyễn Huệ.

Đầu năm học 2012 - 2013, chị chuyển công tác về trường THPT Lê Hồng Phong. Chính ngôi trường này đã ghi dấu sự nở rộ tài năng của cô giáo trẻ. Chị đã từng nói với tôi “chị thích môi trường làm việc áp lực, chị không sợ thử thách, không sợ khó khăn”. Đúng thế, với chị, dạy học là quá trình lao động nghiêm túc, cần cù, không biết mỏi mệt, quyết tâm vượt qua hết thảy mọi trở ngại, gian lao.

Chính thái độ nghiêm túc với nghề, chị đã trở thành giáo viên dạy giỏi chiếm trọn tình yêu của học sinh và sự quý mến của đồng nghiệp. Một trong những yếu tố đi tới thành công của cô giáo Nguyễn Thị Tiếp chính là phương pháp giảng dạy. Là người giáo viên yêu nghề, tâm huyết với nghề, chị đặc biệt chú trọng điều này. Chị không ngừng học tập và mở mang kiến thức, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Với sự đầu tư công phu và cách truyền đạt cuốn hút nên mỗi tiết dạy của chị luôn tạo sự hứng thú, niềm đam mê môn học cho các học trò.

Không những giỏi về giảng dạy bộ môn, chị còn rất xuất sắc trên cương vị giáo viên chủ nhiệm. Chị thu phục nhân tâm, giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của một nhà sư phạm mẫu mực. Là ngôi trường đóng gần địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, cô giáo Tiếp đã trở thành cây cầu kết nối mọi trái tim, xóa tan mọi rào cản ngăn cách: sắc tộc, ngôn ngữ, trình độ…giữa các em học sinh dân tộc và người Kinh.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong suốt thời gian công tác tại trường THPT Lê Hồng Phong, chị đã gặt hái được nhiều thành công mà chúng tôi vô cùng khâm phục. Cô giáo Tiếp luôn là đoàn viên công đoàn xuất sắc, năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng rộng rãi trong dạy học. Tổ Sinh học là một trong những tổ có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và chị Tiếp là giáo viên có công rất lớn.

Tôi muốn dành riêng cho chị sự cảm mến, khâm phục của một đồng nghiệp trẻ dành cho chị. Tôi khâm phục chị ở kiến thức chuyên môn vững vàng, ở ý chí, bản lĩnh, tâm huyết hơn người. Đã nhiều năm, chị hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật tham gia các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia và những công trình nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt là bốn công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật do chị hướng dẫn học sinh thực hiện đạt những thành tựu đáng nể: Đề tài “Bước đầu nghiên cứu tác dụng của than sinh học từ vỏ sầu riêng lên một số đối tượng cây trồng” đạt giải ba cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia năm học 2015 – 2016; đề tài “Đánh giá tác dụng của chế phẩm Rosemary tạo ra từ nguồn nguyên liệu địa phương trong chống muỗi và côn trùng” đạt giải 3 cấp tỉnh năm học 2016 – 2017; đề tài “Nghiên cứu khả năng phòng trừ tuyến trùng hại cây cà phê của chế phẩm BSAC từ nguồn nguyên liệu thực vật” đạt giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia năm học 2017 – 2018; những năm học tiếp theo 2018-2019 và 2019-2020 các đề tài hướng dẫn được có tên trong danh sách của vòng chấm ý tưởng cấp tỉnh. Và mới đây nhất trong năm học 2020 – 2021 với đề tài “Nghiên cứu sản xuất gỗ ép MSF từ vỏ hạt Macadamia” đạt giải ba cấp tỉnh. Đó là niềm vinh dự lớn lao của chị và là niềm tự hào của trường tôi. Thành công ấy không phải dễ dàng có được nếu không có lòng yêu nghề, tận tụy, hi sinh, dâng hiến, là thành quả của bao đêm thao thức, bao ngày trở trăn. Để có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học người giáo viên phải có kiến thức chuyên môn và khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn. Hơn hết là có niềm đam mê và là người thắp sáng ngọn lửa đam mê khám phá, chinh phục tri thức nơi trái tim học trò. Và người giáo viên phải “toàn năng” để có thể hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn để thực hiện đề tài. Nghiên cứu khoa học không phải một sớm một chiều, cần có thời gian, dồn hết tâm sức của trò, của thầy. Có những khi trò gặp trở ngại, nản lòng, chùn bước, muốn bỏ cuộc…bởi các em còn nhỏ tuổi, lại đối diện với áp lực học tập ở các môn học khác. Chính lúc ấy, chị Tiếp luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, dành cho trò yêu những lời động viên, khích lệ, vực dậy tinh thần để các em bước tiếp chặng đường đầy khó khăn phía trước. Chị như ngọn hải đăng rọi sáng cho những con thuyền lênh đênh nơi biển cả mênh mang.

Nhà sư phạm lừng danh V.A. Xu-khôm-lin-xki đã từng phát biểu: Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người". Cô giáo Tiếp đã hội tụ được những yếu tố quan trọng đó. Cô giáo trẻ là tấm gương chói ngời về ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tràn đầy nhiệt huyết cho các thế hệ học sinh noi theo và là người truyền cảm hứng, truyền lửa nhiệt tình cho bao đồng nghiệp.

 

 

Cô Nguyễn Thị Tiếp hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm nghiên cứu và tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật.

***

 

 

Cô Nguyễn Thị Tiếp cùng học sinh Nguyễn Thị Anh Thư và Trần Đại Nghĩa tại “Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XIII” năm học 2020 – 2021.

 

Tác giả: Hồ Thị Hà

Tin tức khác