GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TẠI TỔ CHUYÊN MÔN
Tham luận: Trình bày tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi” của trường THPT Chuyên Bảo Lộc chiều ngày 5/10/2023.
I. Vài nét về công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp của nhà trường
Trường THPT Chuyên Bảo Lộc được thành lập ngày 12/07/2011 theo quyết định số 1505/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ngay từ năm học đầu tiên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đã được Ban Lãnh đạo chú trọng, xem đây là vấn đề sống còn của nhà trường. Lần đầu ra quân với kỳ thi Olimpic 30/4 các em học sinh đạt được 05 Huy chương trong đó có 01 Huy chương Vàng.
Sau 11 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã từng bước khẳng định được vị thế, phấn đấu làm tròn trách nhiệm của một trường nòng cốt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung với 25 giải Quốc tế, 129 giải Quốc gia, 381 giải cấp Khu vực, 1555 giải cấp tỉnh và nhiều giải cấp thành phố.
II. Tình hình thực tiễn về công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp của tổ Ngữ văn
1. Thuận lợi:
Về phía Lãnh đạo nhà trường:
Có tầm nhìn chiến lược, luôn đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực qua việc tạo điều kiện cho giáo viên đi học chuyên gia, tham gia Hội nghị liên kết bồi dưỡng học sinh giỏi; giao lưu với các trường chuyên danh tiếng trong cả nước;
Có chiến lược khoa học, kịp thời trong việc xây dựng kế hoạch chọn và bồi dưỡng các đội tuyển;
Tạo động lực cho giáo viên và học sinh qua công tác truyền thông và xã hội hóa, kịp thời vinh danh giáo viên và học sinh đoạt giải trong các kì thi; quan tâm đến đời sống vật chất của giáo viên dạy chuyên bằng việc mở lớp tăng cường cho giáo viên dạy để có thêm thu nhập mà yên tâm nghiên cứu.
Về phía Tổ trưởng chuyên môn:
Đã có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khi giảng dạy tại trường THPT đại trà nên từng bước đảm nhiệm được vai trò Lãnh đội của đội tuyển quốc gia từ khâu bồi dưỡng kiến thức nền và chuyên sâu của tất cả các chuyên đề đến việc tham gia ra đề thi học sinh giỏi Quốc gia vòng 1,2 do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng tuyển chọn;
Được tham dự Hội nghị liên kết bồi dưỡng học sinh giỏi Khu vực, được giao lưu học tập với các trường THPT chuyên danh tiếng; đặc biệt được tiếp cận và học tập với đội ngũ chuyên gia đầu ngành ngay từ những ngày đầu thành lập trường; được tham gia công tác ra đề, chấm thi để chọn đội tuyển dự thi quốc gia cho tỉnh.
Được đồng hành cùng đội ngũ giáo viên vượt chuẩn, tâm huyết với công việc dạy chuyên.
Về phía giáo viên dạy bồi dưỡng:
Số lượng ít nhưng “tinh”, rất trách nhiệm, tâm huyết với công việc, luôn chịu khó tìm tòi, học tập để theo kịp yêu cầu ngày càng cao của các đề thi học sinh giỏi quốc gia; giáo viên trẻ xuất phát từ gốc là học sinh chuyên nên có những thuận lợi nhất định trong công tác bồi dưỡng cũng như việc xây dựng đội ngũ kế cận.
Về phía học sinh:
Nhiều học sinh có niềm đam mê bộ môn, có tố chất, có khả năng nghiên cứu, tự học.
Về cơ sở vật chất:
Từng bước được cải thiện, đã có phòng học bộ môn, nguồn tài liệu được bổ sung hằng năm đáp ứng tốt cho yêu cầu bồi dưỡng.
2. Khó khăn:
Về phía giáo viên dạy bồi dưỡng:
Số lượng giáo viên dạy giỏi môn chuyên còn quá ít (03 giáo viên), giáo viên khác chưa viết được chuyên đề chuyên sâu để giảng dạy mà vẫn còn lệ thuộc vào những tài liệu cũ; chưa thường xuyên tiếp cận với việc ra đề học sinh giỏi Khu vực, cấp tỉnh cũng như chưa thường xuyên tự nghiên cứu, tự giải đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Về phía học sinh:
Số lượng đăng kí tuyển sinh chưa nhiều nên việc sàng lọc chất lượng đầu vào chưa cao cũng ảnh hưởng đến việc chọn đội tuyển.
3. Kết quả đạt được:
Tổng số giải: 218 giải, trong đó cấp tỉnh là 162 giải (26 Nhất, 68 Nhì, 45 Ba, 23 KK); Olimpic 30/4 và Duyên hải Bắc Bộ là 41 Huy chương (7 HCV, 17 HCB, 17HCĐ), Quốc gia là 15/23 giải (4 Nhì, 3 Ba, 8 KK)
III. Giải pháp quản lí đã thực hiện để có được kết quả trên
1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
Muốn việc bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp đạt hiệu quả cao thì trước hết bản thân mỗi giáo viên phải luôn xem công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp là sứ mệnh, danh dự của giáo viên dạy chuyên; là vấn đề sống còn của nhà trường. Quản lí tổ chuyên môn phải bằng phương pháp “nêu gương”, Tổ trưởng phải thật sự là người có tâm, tầm, tài và phải làm lãnh đội thì mới có thể nêu gương cho đội ngũ và thu hút được học sinh.
2. Công tác tuyển chọn đội tuyển
Phát hiện học sinh giỏi:
Đây là khâu đầu tiên và quan trọng quyết định chất lượng và số lượng giải. Công tác phát hiện học sinh giỏi phải kết hợp việc tham cứu quá trình học tập của học sinh ngay từ lớp 6 và kết quả giải học sinh giỏi lớp 9 với kết quả làm bài khảo sát chất lượng sau khi học sinh đã được học khoảng 60 tiết (chuyên đề chuyên sâu và chuyên đề chuyên biệt).
Trong quá trình dạy, giáo viên cần chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất về: Năng lực tư duy, năng lực, kĩ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo cái mới, năng lực tư duy liên kết, năng lực tư duy phản biện,…
Cách tuyển chọn học sinh giỏi:
Phải đảm bảo mục tiêu chọn đúng, không bỏ sót những học sinh thực sự có năng khiếu.
Quy trình tuyển chọn phải đảm bảo 4 yêu cầu:
- Số lượng học sinh đội tuyển: Tổng số lớp có 35 em, sẽ lựa chọn qua 4 bài kiểm tra ứng với 4 chuyên đề để chọn ra 10 - 12 em (tỉ lệ 1/3) nhằm sàng lọc thành 2 nhóm (khả năng giải quốc gia và giải Nhất tỉnh).
- Đề kiểm tra: Nội dung đề thi phải dựa trên nền kiến thức các chuyên đề được học, đề kiểm tra phải sát và sâu, độc đáo, mới mẻ có như vậy mới đánh giá được cả 4 kĩ năng Đọc – Viết – Nói và Nghe.
- Người ra đề: Phải có sự chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng, phần đáp án phải rõ ràng, chi tiết, đề thi phải hoàn toàn mới, có sự đa dạng hóa về hình thức để đánh giá khả năng nhận thức phát hiện vấn đề của học sinh.
- Chấm bài: Thực hiện cẩn trọng và nghiêm túc công đoạn này. Nhất thiết, phải có ít nhất là 2 giáo viên chấm, có thể mời các giáo viên có năng lực khác cùng tham gia để có sự đa dạng hóa người chấm và đa dạng hóa cách chấm.
3. Phân công giáo viên dạy và bồi dưỡng đội ngũ kế cận
Lấy phương châm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, chọn giáo viên dạy bồi dưỡng nhất thiết phải là giáo viên dạy lớp chuyên có như vậy mới sâu sát được nội dung bồi dưỡng, mới có thời gian để nghiên cứu;
Phân công giáo viên biên soạn chuyên đề phải có thời gian chuẩn bị trước cả năm theo lộ trình giáo viên đã dạy toàn cấp chương trình chuyên. Giáo viên dạy bồi dưỡng phải đảm bảo việc soạn giảng tốt chuyên đề chuyên sâu, phải biên soạn được chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng mảng kiến thức với nguồn tài liệu đề thi trong nước, ngoài nước; phải bổ sung, cập nhật kiến thức hàng năm. Có như vậy mới nâng cao khả năng thích ứng trước tình hình mới, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài của đội ngũ.
Trước khi đưa chuyên đề vào giảng dạy thì tổ chuyên môn, tổ trưởng phải thẩm định, góp ý kĩ càng. Dạy xong mỗi chuyên đề, GV phải ra đề, chấm bài để khảo sát và sau đó Lãnh đội sẽ đánh giá kết quả soạn giảng của GV trên cơ sở bài làm của HS để rút kinh nghiệm.
Bồi dưỡng giáo viên thông qua việc dự giờ, giải đề thi HSG quốc gia, chấm bài đội tuyển, viết chuyên đề chuyên sâu và chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi; mời chuyên gia đầu ngành đến giảng bài và trao đổi kinh nghiệm; đánh giá, rút kinh nghiệm từ kết quả đạt được sau mỗi kì thi học sinh giỏi các cấp.
4. Xây dựng chương trình bồi dưỡng
Lãnh đội căn cứ vào cấu trúc của đề thi để xây dựng nội dung chương trình, thời lượng cho từng chuyên đề.
Thứ nhất: Các chuyên đề bồi dưỡng bám sát chuyên đề chuyên sâu do Bộ GD&ĐT quy định.
Thứ hai: Giáo viên dạy bồi dưỡng phải đọc, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và xây dựng các nội dung chi tiết của chuyên đề sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Mặt khác, giáo viên cần liên tục soạn đề mới theo nguyên tắc tăng dần độ khó ở mỗi chuyên đề.
Thứ ba: Nội dung giảng dạy trên kiến thức nền nhưng phải là tài liệu cập nhật mới liên quan đến các chuyên luận khoa học, các nghiên cứu mới của chuyên gia đầu ngành cũng như các vấn đề thời sự,…
5. Cách dạy bồi dưỡng
Thứ nhất: Dạy chắc, dạy kĩ phần cơ bản rồi mới dạy nâng cao;
Thứ hai: Dạy từ phương pháp đơn giản đến phức tạp; dạy nguyên tắc, kỹ năng làm bài;
Thứ ba: Xác định trọng tâm kiến thức của từng phần, từng thời kỳ văn học, giai đoạn văn học, đặc trưng thể loại.
Thứ tư: Đảm bảo sự liên tục trong bồi dưỡng, không dồn ép quá tải về thời gian và dung lượng kiến thức.
6. Công tác mời chuyên gia và đưa học sinh đi học
Mời chuyên gia đầu ngành về dạy tại trường, dạy khoảng 6/85 buổi để vừa bồi dưỡng cho học sinh và giáo viên.
Đưa học sinh đi học với trường bạn thì giáo viên phải đi cùng, học cùng.
Tóm lại, công tác quản lí tổ chuyên môn trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp thành công hay không là một quá trình và tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Từ việc nâng cao nhận thức, việc phân công giáo viên dạy bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ kế cận, phân công đúng người đúng việc, xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng, phát hiện, tuyển chọn đúng học sinh giỏi,… đến việc TTCM phải là người lãnh đội và phải chọn được những đồng nghiệp, đồng sự có năng lực thật sự để cùng hỗ trợ nhau.
Mặt khác, Chương trình GDPT 2018 đang đặt ra cho nhà trường, tổ chuyên môn nhiều cơ hội và thách thức mới, vì thế đòi hỏi việc xây dựng chương trình bồi dưỡng, công tác đào tạo đội ngũ phải mang tính chiến lược, ổn định và bền vững. Và nhất thiết phải đổi mới, nếu không đổi mới, sáng tạo thì việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp sẽ gặp khó khăn và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Người viết
Tổ trưởng Nguyễn Thị Bảo Trâm