Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

''Bám'' rừng dạy học

09.12.2020 09:22334 đã xem
Phải “hẹn hò” mãi chúng tôi mới có dịp vào Đưng Trang vì mùa này những cơn mưa rừng không dứt, xé tan hoang đường sá. Tại điểm trường Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương), hai cô giáo được phân công giảng dạy trong điều kiện khá khó khăn, vất vả. Nhưng hơn hết tình cảm các cô giáo dành cho học sinh của mình luôn đong đầy, các cô như những cánh chim không mỏi, thiết tha những chuyến đi về mỗi tuần để mỗi lần lên lớp đem theo những niềm vui.
 Đường vào Đưng Trang mùa này bị mưa rừng xé tan hoang, chính quyền địa phương phải huy động xe san gạt tạm thời cho bà con đi lại
Đường vào Đưng Trang mùa này bị mưa rừng xé tan hoang, chính quyền địa phương phải huy động xe san gạt tạm thời cho bà con đi lại

 

Khi con gà rừng cất tiếng gáy trên núi đồi Đưng Trang thăm thẳm cũng là lúc vợ chồng đi nương rẫy; bồng bế con cái đến ngôi nhà chung của các em, chính là điểm trường mầm non nằm đầu thôn. Lúc đầu con trẻ ai cũng bỡ ngỡ nhưng dần dà rồi quen, đến thân thiết với hai cô giáo ở đây. Cô giáo chính là người mẹ hiền thứ hai của các em ở thôn này, vì ngoài việc dạy dỗ, các cô phải tự tay nấu nướng, cơm nước, dỗ dành những giấc ngủ của những đứa trẻ chỉ thích lang thang khắp thôn trong giờ nghỉ.

      Hôm chúng tôi đến Trường Mầm non Đưng K’Nớ vào thời điểm sắp có một buổi biểu diễn văn nghệ nên cô giáo Bon Niêng Ka Lộc phải vượt rừng ra trung tâm để tham gia cùng các giáo viên khác. Điểm trường thôn Đưng Trang chỉ còn mỗi mình cô giáo Rơ Ông K’Mẫn (SN 1999) tất bật giảng dạy, quản lý đến lo việc cơm nước cho các em học sinh.

      “Em vừa nấu cơm xong, đến giờ cơm trưa rồi, em phải cho các cháu ăn cho đúng bữa. Có gì anh thông cảm, xin tiếp chuyện sau”. Lời nói chân tình từ phía cô giáo Rơ Ông K’ Mẫn làm tôi cảm thấy ấm lòng vì tình cảm cô giáo dành cho con trẻ. Ở đây chỉ còn mỗi mình cô nên chuyện ăn uống, chén bát; nói chung là về “hậu cần” một mình cô phải lo hết.

      Rảnh rỗi một tí thời gian khi các cháu đã yên giấc ngủ trưa, cô Rơ Ông K’Mẫn giới thiệu rằng cô mới vào trường từ đầu năm học cùng với cô giáo Bon Niêng Ka Lộc, hai cô cùng một tuổi, học một lớp, ở cùng xã và dạy cùng điểm trường. “Đó là cái duyên anh à, vì chúng em lớn lên giữa núi rừng Đưng K’Nớ, cùng học một lớp với nhau tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Biết là khó khăn nhưng chúng em luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc được giao, vì căn bản ra trường được làm theo chuyên ngành mình đào tạo và tình yêu dành cho con trẻ nơi vùng khó này”, cô Rơ Ông K’Mẫn tâm sự chân thành.

      Hiện tại điểm trường mầm non ở thôn Đưng Trang có 10 trẻ là con em của người dân trong thôn. Vì đường sá xa xôi và đời sống của bà con đa phần còn khó khăn nên hai cô giáo phải trồng thêm các giống rau ở những khoảng đất trống của trường. Còn những lúc thiếu rau xanh cho các em học sinh, cô trò phải cùng nhau đến từng vườn nhà của người dân để xin từng mớ su su, bí đỏ. Phụ huynh các em đi làm rừng về, có mớ rau, cá suối cũng mang đến nhờ các cô nấu nướng cho con em mình để cải thiện thêm bữa ăn. 

 

 Cô giáo Rơ Ông K’Mẫn một mình bám trường nuôi trẻ ở thôn đặc biệt khó khăn
Cô giáo Rơ Ông K’Mẫn một mình bám trường nuôi trẻ ở thôn đặc biệt khó khăn

 

Công tác tại điểm trường này, mọi thông tin liên lạc giữa cô và nhà trường đều qua hình thức truyền miệng, vì ở đây không có sóng điện thoại, không có internet. Chính vì vậy nhiều lúc nhớ gia đình, các cô cũng đành phải ngậm ngùi, rồi trao gửi niềm yêu thương tất cả cho con trẻ của mình. Trong mùa mưa rừng này, để đến với điểm trường, các cô phải nhờ người nhà chở vào, rồi đến cuối tuần thì người nhà vào chở ra. Còn nếu mưa gió quá lớn, đường sạt lở thì các cô đành phải “cuốc” bộ, luồn rừng để ra trung tâm xã hay về với gia đình mình. 

Dịp 20 tháng 11 vừa qua, điều làm các cô cảm xúc nhất chính là những lời cảm ơn của bà con, phụ huynh, rồi sự động viên cố gắng tiếp tục chăm sóc cho trẻ nhỏ của già làng, người uy tín trong thôn. Không tiền bạc, không vật chất lớn lao nhưng chỉ cần những cử chỉ thân mật đó là niềm vui vô bờ bến để vượt qua những khó khăn của núi rừng thâm sơn. 

Để rồi, “khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường, bản làng em rộn vang tiếng hát...”.

Nguồn: ĐỨC TÚ (Báo Lâm Đồng)

Tin tức khác