Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

Bình đẳng giới ngành Giáo dục phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức

12.05.2021 11:221001 đã xem

Ngày 9/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28/10/2016 của Bộ GD ĐT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025 về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Chính sách bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, nữ giới có nhiều đóng góp to lớn, chiếm tỷ lệ khá cao trong chủ thể quan trọng là đội ngũ giáo viên: Chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở bậc mẫu giáo; chiếm khoảng 70% bậc phổ thông; chiếm gần 50% giảng viên đại học, cao đẳng.

Ở giai đoạn 2016-2020, công tác về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đã đề ra 06 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực GDĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục đạt 19/22 chỉ tiêu thuộc 05 mục tiêu đặt ra. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong ngành Giáo dục.

Các mục tiêu đã đạt được bao gồm: Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn; Đảm bảo các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng; Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn, thân thiện.

Một số chỉ tiêu cụ thể trong Quyết định 4996 đã cơ bản đạt được như: 90% phòng GDĐT có nữ tham gia Ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường/Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc; 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở GDĐT; giảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đến trường, chú trọng đối tượng trẻ em trai ở khu vực Tây Nguyên và trẻ em gái ở vùng miền núi phía Bắc; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98,16%, độ tuổi 15-35 là 99,3%; đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ này tương ứng là 94,7% và 97,8%, đạt và vượt chỉ tiêu….

Cần quyết tâm tạo kết quả đột phá

Nhiều ý kiến tham luận, trao đổi đã được ghi nhận tại Hội nghị. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GDĐT tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ những giải pháp đã đem lại hiệu quả trong triển khai công tác bình đẳng giới. Trong đó, giải pháp chính hiệu quả nhất là tăng cường tổ chức nhiều hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức như các hội thi, họp mặt, hội thảo, giao lưu,… tác động tích cực tới nhận thức và dẫn đến những hành động thiết thực.

Theo ThS. Ngô Thị Hiếu, chính sách bình đẳng giới tại Trường ĐH Tây Nguyên là quá trình tạo điều kiện, cơ hội, chính sách để các nữ cán bộ quản lý có thể tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển của trường, được phân công nhiệm vụ hợp lý, được đào tạo nâng cao trình độ, được đánh giá khách quan, công bằng.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Quyết định 4996 ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa rõ nét. Bước sang giai đoạn mới, theo Thứ trưởng, ngành Giáo dục cần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm tạo nên những kết quả đột phá, nổi bật trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, đồng thời góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29.

Thứ trưởng đề nghị tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019; triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bảo đảm hiệu quả, sáng tạo.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong công tác quản lý ở các cấp; Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.

Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản.

Tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ để củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Xây dựng chính sách hỗ trợ xóa mù chữ, tăng cường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới. Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, gắn với đổi mới GDĐT. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025, các cơ sở GDĐT ban hành kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025 và từng năm phù hợp với địa phương, đơn vị; tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, thiết thực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tin tức khác