ĐÓA HOA Ở LẠI VỚI ĐẠ TÔNG
Vốn là cô gái dân tộc Lạch xinh đẹp, ấp ủ bao ước mơ về cuộc sống đủ đầy chốn thị thành, nhưng cuối cùng, với tình thương, lòng yêu dành cho quê hương, ra đi để trở về, cô quyết định về công tác tại chốn núi rừng thân thương.
Ngôi trường ở xã Đạ Tông, vùng đất khi ấy đặc biệt khó khăn. Người dân ở buôn làng là đồng bào dân tộc thiểu số: Mơ Nông, Cil… Tôi luôn cảm thấy xúc động khi được nghe anh chị đồng nghiệp kể về hành trình gian khó của những ngày đầu thành lập. Những năm đầu công tác thật sự là quãng thời gian vất vả, khó khăn cả về đời sống vật chất lẫn thiếu thốn tình cảm gia đình khi ai cũng phải xa gia đình, người thân.
Cuộc sống thiếu thốn, phong tục lạc hậu… khiến nhiều học sinh phải nghỉ học dài ngày, rồi bỏ học để theo bố mẹ lên nương, lên rẫy hoặc đi làm thuê xa nhà. Nhiều trường hợp các em chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên một số lập gia đình sớm...
Gian nan là thế, song với sức trẻ, tri thức, lòng nhiệt huyết, cùng đồng nghiệp có chung lý tưởng với mình, cô DiNa đã không ngại khó, ngại khổ để vượt qua và gắn bó một lòng với nghề giáo mình đã chọn. Trong hai năm đầu (2002-2004) công tác, ngoài giảng dạy bộ môn Toán, cô còn được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn trường. Năm 2003, cô tham gia cuộc thi và đạt giải Nhì “Giáo viên duyên dáng tài năng cấp huyện”. Từ đó đến nay, cô luôn đồng hành cùng học sinh và giáo viên trong các cuộc thi văn hóa - văn nghệ do huyện Đam Rông, Sở Giáo dục tổ chức và gặt hái được thành tích đáng khích lệ. Không chỉ vững vàng về chuyên môn, tâm huyết với nghề giáo, cô còn là cây văn nghệ tài năng, là biên đạo múa duyên dáng của nhà trường. Với những đóng góp cho nhà trường và ngành giáo dục, cô DiNa là giáo viên nhiệt huyết, tài năng, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cứ thế, những tháng năm thanh xuân tươi đẹp của cô đã hòa cùng ánh mắt hồn nhiên của bao thế hệ học trò, cùng ngọn lửa nhiệt huyết của đồng nghiệp nơi mái trường thân yêu, và cả những người con núi rừng Tây Nguyên chân chất, hào sảng.
Cô không chỉ là giáo viên có chuyên môn vững vàng, tích cực trau dồi năng lực giảng dạy, chủ động học hỏi phương pháp mới, mà còn sống hòa đồng, chân thành với đồng nghiệp, luôn yêu thương, tận tâm với học sinh. Cô từng tham mưu Nhà trường mở thêm lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh khối 12 vào buổi tối. Từ năm 2016 đến nay, cô giữ chức vụ Tổ trưởng chuyên môn dẫn dắt tổ Toán – Tin từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và tận tâm hỗ trợ những giáo viên trẻ mới vào nghề.
Ngoài chuyên môn vững vàng, cô còn thành công trong công tác chủ nhiệm. Cô là tấm gương cho thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi noi theo về sự khéo léo, nhạy bén trong phương pháp, cách thức quản lý, dạy dỗ học sinh. Trong các năm chủ nhiệm, cô luôn đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.
Bên cạnh đó, cô luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp và truyền cảm hứng cho chúng tôi nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nghề. Tôi luôn ghi nhớ lời cô chia sẻ như một phần hành trang trên hành trình giảng dạy của mình : “Trong một lớp mà cả bầy con thơ, mỗi đứa một kiểu tính nết, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tình huống mình không biết trước được. Và có lúc chúng ta không thể áp đặt học sinh theo ý của mình. Nhưng đã theo nghề thì phải học cách kiên nhẫn, thấu hiểu học trò. Nắm bắt kịp thời suy nghĩ, tâm lý học trò, từ đó khiến các em cởi mở, thân thiện hơn trong giao tiếp…Vậy là giúp được các em nhận thức sâu hơn.” Với những học sinh cá biệt, cô luôn thể hiện quan điểm “lạt mềm buộc chặt”, gần gũi, đến nhà thăm hỏi gia đình các em, tìm hiểu lý do, tìm cách làm bạn với học trò để uốn nắn các em. Bằng những cách thức nhẹ nhàng như vậy, cô giáo DiNa đã “cảm hóa” thành công được những học sinh có ý định bỏ học, hay vi phạm nề nếp.
Và cho đến bây giờ, cứ mỗi dịp 20/11, lễ, Tết, các cô, cậu học trò tinh nghịch ngày ấy luôn trở về thăm trường cũ để gặp lại người cô yêu kính năm xưa. Thành công và hạnh phúc lớn nhất của một người thầy là sự nhớ về của những người trò, và nhờ nỗi nhớ ấy, người học trò năm xưa gắng sống tốt như lời thầy dạy. Xét ra, cô DiNa là một giáo viên thành công và hạnh phúc.
Với lòng say mê, nhiệt tình, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm cao, lối sống giản dị, cô luôn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng. Từ năm 2008-2015, cô là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn; năm 2016 đến nay, cô giữ chức vụ Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Cô luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng nghiệp, sao cho mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Với cô, mái trường chính là ngôi nhà thứ hai mà cô yêu mến và nguyện lòng gắn bó. Cô đã và đang làm tốt vai trò trong hoạt động Công đoàn của mình. Cô tham mưu với Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường để cùng nhau xây dựng một tập thể đơn vị đoàn kết, chất lượng, giúp nhà trường đạt được nhiều thành tích xuất sắc.
Bản thân tôi luôn cảm thấy may mắn khi được công tác cùng cô nơi ngôi trường Đạ Tông đoàn kết và chan chứa tình thương yêu này. Từ Ban Giám hiệu đến các quý Thầy Cô trong tổ Ngữ văn và giáo viên, nhân viên đồng nghiệp khác trong nhà trường. Tôi cảm nhận được tình thương của mọi người dành cho tôi, sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình trong một năm qua khi tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn: con tôi bị bệnh và chính tôi cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo tưởng chừng không qua nổi. Tôi thật sự biết ơn Công đoàn nghành tỉnh Lâm Đồng, công đoàn cơ sở, trân quý tình cảm của các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường. Họ đã tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục cố gắng trong sự nghiệp giáo dục và trong cuộc sống. Và chắc chắn, trong những nguồn động viên ấy, cô DiNa là một trong những đồng nghiệp, người chị đã truyền cho tôi sức mạnh và niềm tin to lớn để vượt qua khó khăn tiếp tục với nghề, gắn bó với trường.
Với nhiều thành tích giáo dục, cô DiNa vẫn không ngừng phấn đấu, khiêm tốn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và chuyên môn để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và buôn làng của Đạ Tông. 20 năm công tác trong sự nghiệp “trồng người”, cô đã đạt được những thành tích đáng tự hào:
- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua các năm: 2013-2014: 2014-2015: 2017-2018;2020-2022;
- Bằng khen của tỉnh : Đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010-2014;
- Bằng khen của tỉnh : Đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “dạy tốt học tốt” giai đoạn 2011-2016.
- Giấy khen: Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn năm 2011-2012
- Giấy khen: Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn năm 2013-2014
- Giấy khen: Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh nhiệm kỳ 2012-2017.
Không chỉ giỏi việc trường, cô DiNa còn là người vợ tần tảo, đảm đang, một người mẹ hết lòng vì các con. Tuy công việc trường lớp bận rộn, cô vẫn luôn dành thời gian chăm sóc gia đình, chồng con chu đáo. Hai cô con gái của cô đều ngoan ngoãn và học giỏi. Hiện nay con gái lớn là sinh viên Khoa Hàn Quốc học - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; con gái nhỏ đang học tại trường Tiểu học Đạ Tông.
Dù cuộc sống vật chất còn khó khăn, nhưng cô vẫn quyết định lựa chọn mảnh đất Đạ Tông để “an cư lạc nghiệp”. Có những dịp chị em ngồi trò chuyện, cô chia sẻ: “Ngày xưa cũng có ý định chuyển về để gần bố mẹ nhưng vì một số lý do nên quyết tâm ở lại đây bám trường, bám lớp”. Tôi thật sự xúc động và khâm phục cô. Bởi có biết bao người lựa chọn chuyển công tác đến nơi thuận lợi và hứa hẹn hơn cho chính mình. Vậy mà, cô vẫn chọn ở lại gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Chắc hẳn, tận sâu trong trái tim mình, Đạ Tông là quê hương thứ hai của cô và cô biết rằng, đàn em học sinh cũng đang cần cô. Đúng như lời thầy hiệu trưởng Hoàng Công Vượng đáng kính của cô năm xưa đã dặn: “Các con lên đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. Người thầy kính yêu không còn nữa, cô DiNa bây giờ không chỉ “bén rễ xanh cây” mà rễ đã ăn sâu vào trong lòng đất, cây cũng đã đâm chồi nảy lộc dâng đời những mùa vui. Cô vẫn luôn gắn bó với vùng đất nghèo này, bởi các em học sinh nơi đây cần ánh sáng của tri thức và hơi ấm của tình thương từ cô.
Can Jung đã nói: “Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể dạy học nếu thiếu nhiệt huyết”. Đúng vậy! Nhiệt huyết chính là ngọn lửa để thắp sáng và bừng cháy cái tài, cái tâm của mỗi người thầy. Và câu chuyện về cô giáo Cil DiNa ở trường THPT Đạ Tông là một minh chứng như thế! Cô mãi là một đóa hoa ở lại vươn mình tỏa sáng cho quê hương Đạ Tông thân yêu này!
Đạ Tông, ngày 02/11/2022
Tác giả: Kon Sơ K’ Vinh - CĐCS Trường THPT Đạ Tông