Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra , kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Ngành Giáo dục đáp ứng tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/06/2021

Thầy Trần Quang Vĩnh Chánh “Nghề là đam mê”

11.11.2022 08:331091 đã xem
 Nhắc đến thầy Trần Quang Vĩnh Chánh, giáo viên Tin học của Trường THCS - THPT Đống Đa, đồng nghiệp trong trường và các thế hệ học sinh sẽ có cùng nhận định: giỏi giang, nghiêm túc, đam mê với nghề và say sưa với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Thầy đã học hỏi, tìm tòi, giảng dạy và nghiên cứu bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Và có gieo trồng ắt có trái ngọt.

       

Thầy Trần Quang Vĩnh Chánh hướng dẫn học sinh nghiên cứu KHKT

       Về trường năm 2008, thầy Chánh bắt đầu giảng dạy và tham gia các hoạt động chuyên môn, nhất là việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Lúc này, trường và tổ bộ môn chưa có nhiều kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tin học. Thầy Chánh không nề hà, học hỏi giáo viên đi trước, học hỏi giáo viên các trường bạn, tự tìm hiểu… Việc chọn nguồn để bồi dưỡng cũng là một vấn đề, vì nói đến Tin học, học sinh có vẻ “thích thích”, nhưng để theo nó, đầu tư thật sự trong sự lựa chọn với các bộ môn khác, thì không phải học sinh tiềm năng nào cũng chọn theo đuổi. Thầy Chánh không nản lòng, kiên trì, đều đặn bồi dưỡng, những năm đầu chưa có kết quả nhưng cũng là trải nghiệm đáng nhớ. Năm học 2009 – 2010, đã có những trái ngọt đầu tiên: 03 giải cấp Tỉnh. Thừa thắng xông lên, thầy trò lại miệt mài, những năm sau đó là các giải cấp Tỉnh và quốc gia. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi chính là một cách thức tốt để rèn và nâng cao tay nghề. Chất lượng môn Tin học cũng ngày được nâng lên. Và điều quan trọng là, thầy đã truyền được cho các thế hệ học trò những đam mê, khám phá bộ môn có vai trò quan trọng trong thời 4.0. Cứ thế, từ một người “học việc”, thầy Chánh đã tích lũy kinh nghiệm, để trở thành người có thể chia sẻ, hỗ trợ cho người khác. Rất nhanh, thầy đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy, giáo dục cấp ngành, trong đó có các giải pháp, chuyên đề được Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng triển khai tập huấn nhân rộng cho giáo viên toàn tỉnh.

      Từ năm học 2018 – 2019, ngoài việc bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy bắt đầu dấn thân vào hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Cái khó của nghiên cứu khoa học chính là ý tưởng, có ý tưởng rồi thì từ ý tưởng đến công trình hoàn chỉnh lại là cả một quá trình của sự nghiên cứu nghiêm túc. Bao nhiêu lần sản phẩm không như ý là bấy nhiêu lần thầy trò phải thức đêm thức hôm, rà lại quy trình, dò lại từng bước, rồi vỡ òa khi chế tạo thành công sản phẩm để dự thi. Các nghiên cứu của thầy Chánh và học trò của mình mang ý nghĩa rất thiết thực, phục vụ ngay cho công tác giảng dạy, quản lý của nhà trường và cho môi trường sống. Có thể kể đến các công trình như: Dạy học trải nghiệm cho học sinh giúp nâng cao kỹ năng lập trình tại trường THCS - THPT Đống Đa, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm điểm danh học sinh trong nhà trường, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho người khiếm thị trong học tập và sinh hoạt, Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng…Qua quá trình nghiên cứu, thầy Chánh cùng đồng nghiệp Tin học đã truyền cho học sinh niềm say mê nghiên cứu. Học sinh được học lập trình từ sớm, từ năm lớp 6, lập trình không còn là “món khó nhằn”, mà chính là sự thú vị. Thầy đã giúp cho các em nhận ra ích lợi của lập trình. Từ những trò chơi nho nhỏ chính mình tạo ra, đến những ý tưởng có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Hướng học sinh đến khai thác Tin học để phục vụ cho cuộc sống, không phải lệ thuộc vào mạng, vào trò chơi điện tử.

      Học trò của thầy Chánh, vì vậy, cũng đã có nhiều giải thưởng về lập trình, một niềm tự hào không phải trường nào cũng có được như: giải nhất cuộc thi Lập trình cùng Dariu, The Coolest Project Malaysia, giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp Tỉnh Lâm Đồng. Giải nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh; giải triển vọng cuộc thi Tin học trẻ cấp quốc gia. Mỗi một kết quả là một khám phá của các em học sinh về công nghệ, và quan trọng hơn là từng bước khẳng định có thể làm chủ nó.

     Bên cạnh những thành tích về giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn, thầy Trần Quang Vĩnh Chánh còn là một đồng nghiệp thân thiện, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ giáo viên trong trường. Các cuộc thi giáo viên giỏi, các chuyên đề của trường cần có sự hỗ trợ về công nghệ đều có bóng dáng thầy Chánh. Đặc biệt là khi giáo viên tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp Tỉnh, thầy đều sẵn sàng hỗ trợ. Thầy Chánh đã giúp đỡ để 03 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố, 02 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chưa kể những “hỗ trợ không tên” khác. Giáo viên trường hay đùa nhau “Khi ta cần là có Chánh – khi khó cứ hỏi Chánh”, “tên là Chánh thì không thể đóng vai phụ”. Thái độ vô tư của thầy, sự nhiệt tình, không né việc (dù việc có thể né), chính là điểm cộng của thầy giáo trẻ.

      Như một tất yếu của người đam mê với nghề, say sưa nghiên cứu, thầy Chánh đã trở thành nhân tố tích cực trong bộ môn Tin học của Tỉnh, được giới chuyên môn biết đến như một điểm tựa về chuyên môn. Thầy Chánh đã tham gia đóng góp bài báo khoa học đăng trên Tạp chí giáo dục (Bài Ứng dụng phương pháp dạy học chương trình hóa vào dạy học “Kiểu mảng một chiều” (Tin học 11) - số 319).

      Thầy trở thành giáo viên cốt cán của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng, tham gia làm báo cáo viên tập huấn cấp Sở, về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và bồi dưỡng học sinh giỏi cho giáo viên bậc trung học cơ sở và tiểu học trong tỉnh Lâm Đồng. Thường xuyên được điều động làm công tác ra đề thi, chấm thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; làm giám khảo các hội thi giáo viên dạy giỏi, nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp thành phố, cấp tỉnh, làm cộng tác viên thanh tra giáo dục Tỉnh Lâm Đồng; làm quản trị viên cho diễn đàn tin học của giáo viên tỉnh Lâm Đồng.

     Với sự nỗ lực không mệt mỏi và những kết quả trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thầy Chánh đã 11 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, 02 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 06 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở (2013, 2014, 2019, 2020, 2021, 2022); 01 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2021). Bên cạnh đó, thầy còn được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ trưởng bộ giáo dục năm 2022, Chủ tịch UBND Tỉnh năm 2021, bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, bằng khen của Liên đoàn lao động Tỉnh, giấy khen của Công đoàn ngành Giáo dục ... Đó là những thành tích đáng mơ ước của nhiều giáo viên.

     Tuy nhiên, sự đền đáp lớn nhất đối với thầy có lẽ không phải là những giải thưởng “có số”. Mà đó chính là bản thân đã khẳng định được năng lực của mình, được công nhận. Đó là sự yêu mến của đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, sự tin tưởng của phụ huynh. Và đặc biệt là sự ngưỡng mộ và sự kính trọng của học sinh. Tất cả những điều đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho nghề dạy học mà thầy đã lựa chọn.

     Dù rằng ngày nay, có lúc, có người mất lòng tin vào giáo dục, vào giáo viên, thì, những người như thầy Chánh, khẳng định cho chúng ta “Nghề dạy học là nghề cao quý”, và giáo viên, nếu như thực hiện “tròn vai”, “đúng nghĩa” vẫn luôn luôn là điểm tựa tinh thần cho xã hội. Và với thầy Chánh, khi nghề và nghiên cứu khoa học là một đam mê, thì làm việc không phải là áp lực mà là niềm vui. Mỗi ngày là một sự mới mẻ. Và cuộc sống, vì thế, có ý nghĩa biết bao. Năng lượng tích cực từ đó mà lan tỏa. Chân lý phải chăng chính là sự giản đơn ấy?

Trường THCS-THPT Đống Đa

Tin tức khác